Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Thông tin Kinh tế – Xã hội

A+ | A | A-

Bất cập công tác thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 11:12 | 24/05 Lượt xem: 1502

Công tác thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất là quá trình bao gồm nhiều bước, nhiều giai đoạn và được thực hiện bởi các cơ quan khác nhau theo quy định. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam công tác này triển khai cơ bản kịp thời, góp phần phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nảy sinh một số tồn tại, hạn chế cần được tháo gỡ để nâng cao hiệu quả công tác sử dụng đất, tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.

Giải quyết kịp thời nhu cầu thu hồi đất ở địa phương

Qua kết quả khảo sát tại một số địa phương cho thấy, công tác thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã được các địa phương tổ chức thực hiện cơ bản đảm bảo các quy định pháp luật về đất đai. Hằng năm, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai, phối hợp cùng đơn vị tư vấn làm việc với các cơ quan có liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn rà soát nhu cầu thực tế về sử dụng đất để xác định danh mục sử dụng đất, đăng ký kế hoạch sử dụng đất hằng năm đảm bảo thời gian, chỉ tiêu phân bổ và các nội dung theo quy định. Trên cơ sở đó, tham mưu UBND cấp huyện trình Sở TN và MT thẩm định danh mục hằng năm.

Ban Kinh tế - Ngân sách khảo sát một số dự án tại huyện Núi Thành

Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2022 tổng danh mục dự án thực hiện thu hồi đất được phê duyệt là 5.069 danh mục, với tổng diện tích đất thu hồi được duyệt là 25.060,23 ha. Trong đó, nhiều địa phương có số lượng danh mục và diện tích thu hồi rất lớn. Cụ thể năm 2022, tại huyện Duy Xuyên có 77 danh mục dự án đề nghị thu hồi được duyệt, với tổng diện tích đất thu hồi là 836,36 ha; tại huyện Quế Sơn, có 71 công trình được phê duyệt với tổng diện tích đất thu hồi là 350,22 ha; tại huyện Bắc Trà My có 92 danh mục dự án được duyệt, với tổng diện tích đất thu hồi là 179,59 ha. 

Trên cơ sở đề nghị của UBND cấp huyện, Sở TN và MT đã kịp thời tổng hợp, rà soát, đối chiếu quy định pháp luật trình Hội đồng thẩm định cho ý kiến, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua danh mục. Trong quá trình rà soát, Sở đã đề nghị loại bỏ nhiều danh mục chuyển đổi mục đích sử dụng đất do chưa đảm bảo thông tin theo quy định, riêng năm 2021, đã loại bỏ 178 danh mục thu hồi đất, 80 danh mục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Công tác lập, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đã thực hiện từng bước đi vào nề nếp, tạo sự chủ động và giải quyết kịp thời nhu cầu sử dụng đất tại địa phương. Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ cấu sử dụng giữa các loại đất đã được chuyển đổi phù hợp với quá trình đô thị hóa, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. 

Một số tồn tại, hạn chế cần được tháo gỡ

Mặc dù hằng năm, các địa phương đề nghị bổ sung danh mục thu hồi đất nhiều, với diện tích thu hồi đất lớn. Song kết quả triển khai thực hiện dự án trong kế hoạch sử dụng đất được duyệt đạt tỷ lệ rất thấp (dưới 30%). Theo báo cáo kết quả thực hiện năm 2022 cho thấy, tại huyện Duy Xuyên chỉ thực hiện 14/88 danh mục công trình được duyệt (tỷ lệ 8,92%), với diện tích 4,15ha/898,13ha; tại Bắc Trà My chỉ thực hiện 13/92 công trình được duyệt (tỷ lệ 14,13%) với diện tích 19,09 ha/179,59 ha. Tổng chung trong toàn tỉnh, giai đoạn 2020-2022 thực hiện 817/5069 danh mục được duyệt, tỷ lệ chỉ đạt 16,37%. Đáng chú ý, năm 2022, có một số địa phương đạt tỷ lệ khá thấp chỉ dưới 10% như: Hội An (8,93%), Điện Bàn (4,58%), Nông Sơn (6,98%)… 

Ban Kinh tế - Ngân sách làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường về công tác thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Theo Điều 49 Luật Đất đai 2013 quy định: “Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất”. Tuy nhiên, qua khảo sát nhiều dự án đã có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng đã quá 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, song địa phương không thực hiện thủ tục công bố điều chỉnh, hủy bỏ dự án theo quy định. Điều này cho thấy, tính minh bạch trong thực hiện quy hoạch tại một số địa phương không cao, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa kịp thời với tình hình thực tế, làm ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi người dân vùng dự án, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, kiến nghị. 

Thống kê sơ bộ cho thấy, năm 2022 toàn tỉnh hiện có gần 300 danh mục dự án được phê duyệt, nhưng sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong đó, nhiều danh mục chuyển tiếp qua nhiều năm, có danh mục công trình, dự án “cơ hội”, song nhiều năm không triển khai thực hiện làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm do UBND cấp huyện trình chưa kịp thời, không đảm bảo thời gian theo quy định. Mặc dù, tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về trình tự thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện nêu: “Căn cứ vào hồ sơ kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được hoàn thiện và nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp tỉnh để phê duyệt xong trước ngày 31 tháng 12”. Tuy nhiên, theo phản ánh của đa số các địa phương, việc thẩm định này khá chậm, thường vào tháng 5, tháng 6 năm sau, do đó ảnh hưởng đến công tác thực hiện thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các công trình, dự án.  

Giải trình về nguyên nhân của việc chậm trễ trong thẩm định, đại diện Sở TN và MT nêu ra nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các thành viên Hội đồng thẩm định chậm phản hồi ý kiến, Sở phải nhiều lần gửi văn bản đôn đốc; thêm nữa, trong quá trình thẩm định, địa phương tiếp tục phát sinh danh mục đề nghị thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; nhiều danh mục, dự án chưa đảm bảo về nguồn vốn, tính pháp lý.... Về quy trình, Sở cho biết, sau khi HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất thì UBND các huyện, thị xã, thành phố mới lập hồ sơ Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện trình thẩm định, phê duyệt thường vào tháng 01 năm sau, sau khi Sở TN và MT ban hành Thông báo kết quả thẩm định, có địa phương đến tháng 6 mới trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Như vậy, địa phương thực hiện quy trình ngược theo trình tự, thủ tục về hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất hàng năm!. 

Hiện nay, công tác quản lý hồ sơ địa chính ở một số xã, thị trấn vẫn thực hiện thủ công; tiến độ xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh chậm. Theo báo cáo Sở TN và MT, trên địa bàn tỉnh mới có 5 địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu (gồm Tam Kỳ, Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên và Núi Thành); trên hệ thống cơ sở dữ liệu chỉ có 48/241 xã, phường, thị trấn tạo sổ địa chính trên phần mềm cơ sở dữ liệu, chậm so với tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, các điều kiện về vật chất, kinh phí trang thiết bị cho công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo, hầu hết các địa phương chưa chủ động bố trí kinh phí, hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu về đất đai để tạo điều kiện triển khai nhanh và có chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. 
 
Ngoài ra, việc nắm bắt thông tin và dự báo nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các địa phương còn hạn chế, độ chính xác chưa cao; kế hoạch sử dụng đất chưa xác định nhu cầu sử dụng đất phù hợp với tiến độ các công trình dự án. Quy mô, vị trí sử dụng đất của một số công trình, dự án xác định chưa chính xác do thay đổi nhu cầu sử dụng đất của ngành, lĩnh vực và nhu cầu của các nhà đầu tư. Công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới ở một số địa phương chất lượng chưa cao, chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch, bố trí một số quỹ đất chưa phù hợp với nhu cầu thực tế; kế hoạch sử dụng đất hằng năm chưa tuân thủ trình tự, thủ tục, thời gian theo luật định…

Tác giả: Tấn Quang

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website