Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Thông tin Kinh tế – Xã hội

A+ | A | A-

Vướng mắc sau sắp xếp tổ chức, tăng tính tự chủ các đơn vị sự nghiệp công

Người đăng: Administrator Account Lượt xem: 404

Đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng. Thể chế hóa chủ trương này, các cơ quan nhà nước đã ban hành một hệ thống các văn bản pháp luật, từ luật đến nghị quyết, pháp lệnh, nghị định, thông tư và văn bản của chính quyền địa phương. Quá trình thực hiện đã mang lại những kết quả nhưng cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Đối với Quảng Nam, sắp xếp tổ chức, tăng tính tự chủ các đơn vị SNCL cũng không tránh khỏi những hạn chế, vướng mắc. Phiên giải trình về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, trong đó có cải cách tài chính công đối với các đơn vị SNCL đã cho thấy nhiều vấn đề đáng quan tâm.

Đạt mục tiêu nhưng nhiều vướng mắc

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2021-2023 thực hiện chủ trương sắp xếp, kiện toàn tinh gọn bộ máy, toàn tỉnh giảm 17 đơn vị SNCL, tỷ lệ 1,89%; giảm 2.167 biên chế viên chức hưởng lương từ NSNN tỷ lệ 7,25%; giảm 54 tổ chức bên trong của các đơn vị SNCL chưa tự chủ; tăng 17 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên trở lên, giảm 34 đơn vị ngân sách đảm bảo chi thường xuyên. Bên cạnh đó, số lượng đơn vị ngoài công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công tăng 130 đơn vị, tương đương 23,1%. Đây là những kết quả rất tích cực phản ánh nỗ lực của các cơ quan trong thực hiện chủ trương đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động các đơn vị SNCL.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đức chất vấn tại phiên giải trình

Tuy nhiên, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị SNCL mới cơ bản giảm số lượng đầu mối, chưa thật sự có thay đổi về cơ chế hoạt động và chất lượng dịch vụ cung ứng; có nơi sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế chưa thật sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ theo vị trí việc làm. Giảm biên chế viên chức hưởng lương từ NSNN đạt tỷ lệ nhưng số giảm chủ yếu do các đơn vị chuyển sang tự chủ, giảm số chưa sử dụng. 

Các văn bản hướng dẫn về định mức số lượng người làm việc ở các đơn vị SNCL theo ngành, lĩnh vực chậm được ban hành khiến các địa phương gặp khó khăn trong xây dựng và xác định số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp, dẫn đến thiếu căn cứ để tuyển dụng, sử dụng viên chức, người lao động. Bên cạnh đó, các đơn vị được giao tự chủ nhóm 2 theo quy định được quyền tổ chức tuyển dụng viên chức theo vị trí việc làm, tuy nhiên rất ít đơn vị triển khai do còn lúng túng, e ngại dẫn đến thiếu người làm việc, không sử dụng hiệu quả biên chế được phê duyệt.

Nhiều khó khăn trong tự chủ  

Ngoài những vướng mắc, bất cập về tổ chức nêu trên, nhiều đơn vị SNCL sau khi nâng mức độ tự chủ còn gặp nhiều khó khăn khác dẫn đến khó đạt mục tiêu quan trọng và lâu dài là chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị SNCL. Thực trạng này được thể hiện rõ ràng ở lĩnh vực y tế, nhất là khu vực miền núi. 

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2023-2025 theo phương án tự chủ được phê duyệt chỉ tính riêng lĩnh vực y tế toàn tỉnh có 07 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2); 23 đơn vị tự đảm bảo 01 phần chi thường xuyên (nhóm 3) và 02 đơn vị do NSNN đảm bảo (nhóm 4). So với giai đoạn 2021-2022 đã tăng 03 đơn vị nhóm 2, giảm 02 đơn vị nhóm 4 và giảm 02 đơn vị nhóm 2. 

Tuy nhiên, phân tích số liệu chi tiết thì thấy thực tế thực hiện lộ trình tăng mức độ tự chủ tài chính các đơn vị SNCL đã có trường hợp nào đi ngược lại tiến trình thực hiện theo các quy định của Nghị định 60/2021/NĐ-CP (chuyển từ nhóm 3 sang nhóm 4). Mặt khác, nhiều đơn vị SNCL lĩnh vực y tế gặp nhiều khó khăn sau khi được giao tự chủ nhóm 2. Thực trạng chung của nhiều đơn vị là mức độ thu dung điều trị thấp, không đủ năng lực, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để cạnh tranh với các cơ sở y tế tư nhân trên cùng địa bàn dẫn đến nguồn thu không đảm bảo, không đủ kinh phí để thực hiện tự chủ nhóm 2, cá biệt có đơn vị nợ lương, nợ BHXH của người lao động.

Về nguyên nhân, lĩnh vực y tế nguồn kinh phí hoạt động của các đơn vị khám chữa bệnh phụ thuộc nhiều vào nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT nhưng việc thẩm định chấp nhận thanh toán từ quỹ BHYT còn chưa kịp thời, đồng bộ. Ngoài ra, các khó khăn trong đấu thầu mua thuốc vật tư hóa chất cũng đã ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh và nguồn thu của đơn vị, dẫn đến các cở sở y tế gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối thu chi quỹ BHYT. Theo đánh giá của Sở Tài chính, đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thực hiện tự chủ tại các đơn vị khám chữa bệnh chưa thể đạt được hiệu quả như mong muốn; đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2022 các đơn vị còn bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, hoạt động của các đơn vị SNCL bị ảnh hưởng, nguồn thu giảm mạnh.

Đề cập đến giải pháp giúp các đơn vị khám chữa bệnh đã được giao quyền tự chủ từng bước khắc phục khó khăn, đồng thời đảm bảo mục tiêu “phục vụ nhân dân” trong cung cấp dịch vụ y tế. Tại phiên họp giải trình do Thường trực HĐND tỉnh  vừa qua các đại biểu HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần tính toán lộ trình tăng mức độ tự chủ ở các đơn vị SNCL lĩnh vực y tế phù hợp thực tiễn của tỉnh, tránh tình trạng chạy theo chỉ tiêu nhưng ảnh hưởng đến khả năng, chất lượng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập. Đồng thời, cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, chủ trương xã hội hóa y tế cũng cần những điều chỉnh phù hợp, có lựa chọn, sàn lọc, tập trung vào các bệnh viện chuyên khoa, hạn chế phát triển các phòng khám đa khoa để các cơ sở y tế công lập đủ điều kiện cạnh tranh, hoạt động hiệu quả hơn và đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận dịch vụ y tế thuận lợi với chi phí hợp lý.

Tác giả: Thành Nhân

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website