Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

Cử tri – đại biểu / Diễn đàn của đại biểu

A+ | A | A-

Khảo sát, lấy ý kiến dự thảo quy định về Tổ Bảo vệ an ninh trật tự

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 13:56 | 12/06 Lượt xem: 4027

Cụ thể hóa các nội dung trong Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND cấp tỉnh ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật (ngày 01.7.2024) là nhiệm vụ quan trọng theo yêu cầu chung của Chính phủ. Cùng với đó là các yêu cầu về tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp thực tiễn và khả năng cân đối nguồn lực. Khảo sát, làm việc thực tế với các địa phương về Đề án, dự thảo Nghị quyết (DTNQ) quy định tổ chức, chế độ chính sách và trang bị phương tiện, điều kiện làm việc đối với Tổ bảo vệ an ninh trật tự (Tổ BVANTT) đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý.

Bố trí lực lượng phù hợp quy mô dân số

Thực hiện Khoản 1 Điều 14 Luật Lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở và chỉ đạo chung trong thành lập Tổ BVANTT là sắp xếp, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động hiện nay theo quy định của pháp luật (gồm công an viên thôn, Tổ Bảo vệ dân phố, Đội dân phòng) thành một lực lượng thống nhất mà không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động. Dự thảo quy định về số lượng thành viên Tổ BVANTT gửi lấy ý kiến các địa phương có đề cập mỗi thôn, tổ dân phố và tương đương thành lập một Tổ BVANTT gồm: Tổ trưởng, Tổ phó và Tổ viên. Về số lượng được phân thành 02 nhóm, cụ thể thôn có 03 thành viên và Tổ dân phố thì có 05 thành viên.

Tại 03 địa phương khảo sát thực tế, đa số các ý kiến cho rằng việc quy định số lượng thành viên Tổ BVANTT nên căn cứ theo tiêu chí dân số vì thực tế nhiều nơi mặc dù là Tổ dân phố/khối phố nhưng số hộ dân ít (dưới 350 hộ); ngược lại có những thôn quy mô dân số rất lớn (có nơi 700 -800 hộ) nên việc quy định như dự thảo là chưa phù hợp, nhất là ở thôn có quy mô dân số lớn. Mặt khác, Điều 14 Luật Lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở đã quy định rõ “quy mô dân số” là một trong các tiêu chí để HĐND tỉnh xác định số lượng thành viên Tổ BVANTT. Việc sử dụng tiêu chí “quy mô dân số” cũng sẽ đảm bảo tính tương đồng với các quy định khác ở thôn, tổ dân phố do HĐND tỉnh ban hành, đang có hiệu lực, như Nghị quyết 12/2023/NQ-HĐND quy định về số lượng, chức danh và mức phụ cấp các chức danh ở thôn, tổ dân phố.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh khảo sát tại thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước về tổ chức, chế độ chính sách và trang bị phương tiện, điều kiện làm việc đối với Tổ BVANTT

Ngoài ra, theo một số địa phương, phương án kiện toàn lực lượng như trên sẽ dẫn đến tình trạng dôi dư, nhất là dôi dư Trưởng ban, Phó trưởng Ban BVDP ở phường, thị trấn. Do vậy cần có chính sách hỗ trợ phù hợp tạo điều kiện thuận lợi trong sắp xếp, kiện toàn và ghi nhận sự đóng góp của các chức danh này.  

Thống nhất về quy định bồi dưỡng hằng tháng 

Một vấn đề khác thu hút sự quan tâm, góp ý của địa phương là quy định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng đối với các chức danh. Theo DTNQ lấy ý kiến, sẽ có 03 mức bồi dưỡng, tính theo tỷ lệ % mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể Tổ trưởng được đề nghị mức 37%, Tổ phó mức 33% và Tổ viên mức 30%. Việc đề xuất như trên được kế thừa từ quy định hiện hành của HĐND tỉnh về mức hỗ trợ hằng tháng đối với Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng (Nghị quyết 25/2022/NQ-HĐND) và lộ trình cải cách tiền lương sắp đến (không còn mức lương cơ sở). 

Qua khảo sát, đa số các địa phương đều cho rằng nếu thống nhất như dự thảo thì một số chức danh là Tổ trưởng, Tổ phó Tổ Bảo vệ dân phố đang hưởng chính sách theo Nghị quyết 53/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh được kiện toàn, đảm nhận chức danh thành viên Tổ BVANTT sẽ có mức hỗ trợ hằng tháng thấp hơn (nhất là ở vùng III, vùng IV). Mặt khác, việc quy định mức bồi dưỡng theo vùng cũng sẽ tạo ra sự so bì giữa các địa phương khi cùng chức danh, cùng thực hiện nhiệm vụ như nhau nhưng lại hưởng mức hỗ trợ khác nhau.

Từ các bất cập này, đa số các địa phương đều kiến nghị nên xem xét quy định mức hỗ trợ thường xuyên theo mức lương cơ sở. Điều này sẽ giúp khắc phục các bất cập nên trên và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về quy định hỗ trợ hằng tháng đối với các chức danh ở cơ sở, vì hiện tại đa số các chức danh ở thôn, tổ dân phố được quy định mức phụ cấp/bồi dưỡng theo mức lương cơ sở.

Quy định về mức phụ cấp kiêm nhiệm trong trường hợp thành viên Tổ BVANTT kiêm nhiệm các chức danh khác ở thôn, tổ dân phố cũng được đề nghị là 100% thay vì 50% như dự thảo. Bởi các Nghị quyết hiện hành của HĐND tỉnh đã quy định kiêm nhiệm được hưởng 100%. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả hoạt động các đại biểu cũng đề nghị quy định rõ trong trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh thì cũng chỉ được hưởng 01 mức phụ cấp kiêm nhiệm cao nhất.

Ngoài ra, qua khảo sát cũng ghi nhận các góp ý về chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng khi làm nhiệm vụ ban đêm; chế độ hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện và hỗ trợ BHYT. Đây sẽ là những thông tin để các Ban HĐND, đại biểu HĐND nghiên cứu thẩm tra, phản biện, góp ý DTNQ tại kỳ họp sắp đến, đảm bảo các quy định do HĐND tỉnh ban hành phù hợp thực tiễn.

Tác giả: Thành Nhân

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác: