Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

Cử tri – đại biểu / Diễn đàn của đại biểu

A+ | A | A-

Giới hạn phạm vi thẩm tra các nội dung trình kỳ họp - Cần cân nhắc để phù hợp với thực tiễn

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 9:47 | 07/08 Lượt xem: 92

Hiện nay dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đang được lấy ý kiến góp ý rộng rãi để hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét, quyết định. Một trong những nội dung có đề xuất sửa đổi, bổ sung là công tác thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân về nội dung trình kỳ họp Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, các các đề xuất này cần cân nhắc để phù hợp với thực tiễn nhằm phát huy hiệu quả. 

Báo cáo thẩm tra là một trong những cơ sở quan trọng để Hội đồng nhân dân (HĐND) xem xét, quyết định


Hoạt động thẩm tra các báo cáo của UBND và các báo cáo khác theo quy định pháp luật là một trong 4 hình thức giám sát quan trọng, thường xuyên của các Ban của HĐND. Mục đích là để giúp các Ban HĐND theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; từ đó, có yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.

Theo quy định hiện hành, Thường trực HĐND phân công các Ban của HĐND cùng cấp thẩm tra các báo cáo trình kỳ họp HĐND, trừ báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân (khoản 3 Điều 59 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân) và trên thực tế hầu hết các nội dung trình kỳ họp HĐND đều được các Ban của HĐND thẩm tra (trừ nội dung không thẩm tra theo Luật định như đã nêu).  

Thường trực HDDND tỉnh Quảng Nam làm việc với các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung trình kỳ họp HĐND tỉnh

Thẩm tra là xem xét, đánh giá các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết…của UBND, các cơ quan liên quan trình tại kỳ họp HĐND. Đặc biệt, đối với các văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo thẩm tra phải xem xét một cách toàn diện từ hình thức đến nội dung văn bản; từ thể thức, kỹ thuật trình bày đến căn cứ pháp lý, tính khoa học, tính chính xác của các thông tin nêu ra đưa  báo cáo, đề án ...Đồng thời, đánh giá tính cấp thiết, sự phù hợp với thực tiễn, tính khả thi, khả năng cân đối của ngân sách…Trong các báo cáo thẩm tra về các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án đã thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của các Ban của HĐND về những vấn đề được Ban nhất trí hoặc không nhất trí và đưa ra các nội dung còn có ý kiến khác nhau để HĐND thảo luận; đồng thời đề xuất những kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với pháp luật và thực tiễn. Kết quả thẩm tra là cơ sở phản biện quan trọng để đại biểu HĐND thảo luận và quyết nghị. Từ đó đảm bảo cho nghị quyết của HĐND ban hành hợp hiến, hợp pháp, khoa học, khả thi cao, phát huy hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và nâng cao đời sống Nhân dân.

Giới hạn phạm vi thẩm tra các nội dung trình kỳ họp - Cần cân nhắc để phù hợp với thực tiễn

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Dự thảo Luật) thì khoản 3 Điều 59 được sửa đổi như sau: 

"3. Theo sự phân công của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND cùng cấp thẩm tra các báo cáo quy định tại khoản 1 Điều này nếu được HĐND thảo luận, trừ báo cáo của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND".

Như vậy, có thể hiểu các Ban của HĐND chỉ thẩm tra những nội dung HĐND thảo luận, còn những nội dung HĐND không thảo luận thì không thẩm tra. Nhưng trên thực tế, HĐND xem xét, thảo luận tất cả các nội trình kỳ họp để đưa ra quyết định, thể hiện thông qua các nghị quyết của HĐND. Việc thảo luận các nội dung này có thể thực hiện bằng nhiều hình thức: thảo luận chung tại hội trường, thảo luận tại các tổ, xin ý kiến các đại biểu bằng phiếu…Từ kết quả thảo luận, đại biểu mới thống nhất và biểu quyết thông qua nghị quyết. Kể cả những nội dung các Ban của HĐND không thẩm tra vẫn được thảo luận tại kỳ họp (báo cáo của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND). Như vậy, xác định nội dung không được HĐND thảo luận để giới hạn phạm vi thẩm tra như thế nào?

Ban KT-NS HĐND tỉnh Quảng Nam khảo sát thực tế phục vụ công tác thẩm tra nội dung trình kỳ họp HĐND tỉnh

Cũng tại khoản 3 Điều 59 có bổ sung thêm nội dung :"Hằng năm, Thường trực HĐND ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình giám sát năm của HĐND, Thường trực HĐND xác định báo cáo phải thẩm tra, cơ quan chủ trì thẩm tra, thời gian trình HĐND, Thường trực HĐND.”

Theo quy định này thì ngay từ đầu năm Thường trực HĐND phải xác định báo cáo phải thẩm tra, cơ quan chủ trì thẩm tra, thời gian trình HĐND, Thường trực HĐND cho cả năm. Điều này là không khả thi. Bởi, theo quy định hành, hằng năm ngoài hai kỳ họp thường lệ và các kỳ họp chuyên đề, HĐND có thể tổ chức các kỳ họp để giải quyết vấn đề phát sinh đột xuất. Nội dung thường lệ trình tại kỳ họp 6 tháng đầu năm, kỳ họp cuối năm được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan nên xác định được. Tuy nhiên, nội dung trình các kỳ họp chuyên đề mặc dầu có xác định nhưng thường được thay đổi, bổ sung rất nhiều; còn kỳ họp giải quyết vấn đề phát  sinh đột xuất thì hoàn toàn không dự kiến được thì làm thế nào để xác định nội dung cần thẩm tra, không thẩm tra từ đầu năm? 

Mặc khác, nội dung trình các kỳ họp chuyên đề, kỳ họp giải quyết vấn đề phát  sinh đột xuất thường là các nội dung về cơ chế, chính sách hoặc bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nên các Ban của HĐND không thể không thẩm tra.   

Tóm lại, từ vai trò quan trọng của việc thẩm tra các nội dung trình kỳ họp HĐND cũng như một số vướng mắc nếu sửa đổi, bổ sung theo Dự thảo Luật, đề nghị nội dung này giữ nguyên như quy định hiện nay.

Tác giả: Nguyễn Nhật Hòa

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác: