Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

Cử tri – đại biểu / Diễn đàn của đại biểu

A+ | A | A-

Thực hiện Nghị quyết 02/2023/NQ-HĐND về hỗ trợ quản lý cai nghiện còn hạn chế

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 16:28 | 15/08 Lượt xem: 337

Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 21.3.2023 quy định nội dung, mức chi cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh là văn bản được Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành để cụ thể hóa các nội dung được giao tại Thông tư 62/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, sau hơn 01 năm thực hiện Nghị quyết 02/2023/NQ-HĐND, kết quả đạt được chưa như kỳ vọng, đa số các địa phương chưa thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ tư vấn, hỗ trợ, quản lý người nghiện.

Tích cực triển khai

Tại Báo cáo 219 ngày 06.8.2024, Sở LĐ,TB&XH nêu thực trạng tệ nạn nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp và khó kiểm soát; người sử dụng trái phép chất ma tuý, người nghiện ma túy đang có xu hướng gia tăng, tập trung vào nhóm người trẻ tuổi, đa số có trình độ văn hóa thấp, không có nghề nghiệp ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn. Theo thống kê, đến 31.7.2024 toàn tỉnh có 739 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý, 122/241 xã, phường, thị trấn thuộc 16/18 huyện, thị xã, thành phố có người nghiện ma tuý (trừ 02 huyện Tây Giang, Nông Sơn).

Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Nam đã hợp đồng với một doanh nghiệp nhận gia công giày để học viên cải thiện cuộc sống và có một nghề vững vàng sau này hòa nhập cộng đồng. Ảnh: V.V.T
Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Nam dạy nghề cho học viên

Sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 02/2023/NQ-HĐND, UBND tỉnh đã có Quyết định 803 triển khai thực hiện. Cùng với đó, Sở LĐ,TB&XH đã chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh tổ chức 03 lớp tập huấn hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý, xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ, tổ chức cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc và quản lý người sau cai nghiện ma tuý; hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND, Quyết định số 803/QĐ-UBND cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý trên địa bàn. Tổ chức 32 lớp tuyền truyền, tọa đàm, tham vấn về công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý tại các địa phương có tệ nạn ma tuý phức tạp, có nhiều người nghiện ma tuý.

Về công tác tổ chức cai nghiện ma tuý, theo báo cáo tổng số người nghiện ma túy điều trị cai nghiện trong thời gian qua là 928 lượt, trong đó điều trị bằng chất thay thế Methadone 552 lượt người; cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng 25 lượt người; cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma tuý 35 lượt và 316 lượt người cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma tuý. 

Về quản lý sau cai nghiện, các xã, phường, thị trấn đã thực hiện quản lý đối với 236 lượt đối tượng, ít hơn rất nhiều so với số lượt đối tượng tham gia cai nghiện. Toàn tỉnh có 7 xã, phường, thị trấn phân công 55 cán bộ làm công tác tư vấn, theo dõi, quản lý người cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng; 67 xã, phường, thị trấn phân công 155 cán bộ làm làm công tác tư vấn, theo dõi, quản lý người sau cai nghiện ma túy. 

Tổng kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ cai nghiện theo Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND tính đến ngày 31.7.2024 là hơn 8,3 tỷ đồng. Trong đó phần lớn kinh phí hỗ trợ đối tượng cai nghiện, người làm công tác cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy (8,1 tỷ đồng); kinh phí thực hiện tại các địa phương rất thấp (cấp huyện 103 triệu đồng và cấp xã 61 triệu đồng).

Kết quả còn hạn chế

Theo đánh giá, mặc dù Nghị quyết 02/2023 quy định rất nhiều chính sách hỗ trợ cho người cai nghiện và người làm công tác quản lý cai nghiện, tư vấn hỗ trợ quản lý sau cai nghiện. Thông qua các hội nghị triển khai, tập huấn các quy định này đã được phổ biến rộng rãi đến các đối tượng, cán bộ và người dân trên địa bàn. 

Tuy nhiên, sau hơn 01 năm triển khai, kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế. Số người cai nghiện tự nguyện rất ít (60/928 lượt). Đối với 25 lượt cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, việc ra quyết định ở các địa phương còn nhiều hạn chế. Ra quyết định cho người cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng khi không có các dịch vụ hỗ trợ về y tế sẽ xảy ra các triệu chứng cai, ảo giác, loạn thần, rối loạn nhận thức, hành vi. Điều này vừa không đúng Nghị định 116/2021/NĐ-CP, vừa gây nguy hiểm cho cộng đồng, xã hội. 

Nguyên nhân của thực trạng này là do trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng nên các xã, phường, thị trấn chưa thể tổ chức cai nghiện bằng hình thức này theo đúng quy định. Ngoài các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự chưa đảm bảo thì đến nay vẫn chưa có quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật đối với dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng nên các huyện, thị xã, thành phố vẫn chưa có cơ sở để đặt hàng giao nhiệm vụ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc để thực hiện cung cấp loại hình dịch vụ này. 

Việc thực hiện các chế độ, chính sách cũng rất hạn chế. Toàn tỉnh chỉ có 01 huyện (Quế Sơn) thực hiện các chính sách hỗ trợ chi phí người cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo Nghị quyết 02/2023/NQ-HĐND cho 03 đối tượng.  Mặc dù quy định về chế độ, chính sách hỗ trợ người làm công tác tư vấn, theo dõi, quản lý người sau cai nghiện ma tuý được Nghị quyết 02 của HĐND tỉnh quy định bằng mức tối đa Thông tư 62/2022/TT-BTC; UBND tỉnh đã hướng dẫn, quy định cụ thể nhưng hầu hết các địa phương chưa thực hiện. Trong số 7 xã phân công người làm công tác tư vấn cai nghiện tự nguyện và 67 xã phân công người quản lý người sau cai nghiện ma túy, chỉ có một vài xã thuộc huyện Hiệp Đức triển khai thực hiện với kinh phí 05 triệu đồng. 

Đáng lưu ý, một số địa phương có số lượng người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý lớn như Tiên Phước (279 người), Thăng Bình (52 người), Núi Thành (38 người), Điện Bàn (35 người),.. nhưng đến nay vẫn chưa bố trí, phân công người làm công tác tư vấn cai nghiện, hỗ trợ quản lý sau cai nghiện. 
Sở LĐ,TB&XH nhận định nguyên nhân tình trạng trên là do các địa phương chưa thật sự tập trung cho công tác cai nghiện và quản lý sau cai, thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND, Quyết định số 803/QĐ-UBND. Ở các địa phương đã phân công người làm nhiệm vụ thì chưa thực hiện việc lập dự toán, bố trí kinh phí để thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ cho cán bộ theo quy định. Mặt khác, kinh phí phân bổ thực hiện các chính sách xã hội ở các xã, phường, thị trấn còn hạn chế, chưa đảm bảo để thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND.

Đề xuất giải pháp trong thời gian đến, Sở LĐ,TB&XH kiến nghị UBND tỉnh tăng cường kinh phí để địa phương thực hiện các chế độ, chính sách theo Nghị quyết 02. Kiến nghị Mặt trận và các đoàn thể tích cực vận động người nghiện và gia đình người nghiện tự giác khai báo tình trạng nghiện, đăng ký tham gia cai nghiện tự nguyện; phân công hội viên, đoàn viên tham gia công tác tư vấn, theo dõi, quản lý, hỗ trợ cho người nghiện, người sau cai nghiện ma tuý ở cộng đồng.

UBND cấp huyện chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý; bố trí địa điểm, nhân sự để tư vấn, tiếp nhận hồ sơ đăng ký cai nghiện tự nguyện; không ra quyết định cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng khi chưa có các đơn vị, tổ chức, cá nhân đảm bảo các điều kiện để cung cấp các dịch vụ này theo quy định; phân công và thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ cho cán bộ tư vấn, theo dõi, quản lý các đối tượng theo Nghị quyết 02. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, theo dõi, quản lý các đối tượng ở các xã, phường, thị trấn; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn trong việc thực hiện các quy định trên lĩnh vực cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý trên địa bàn.

Tác giả: Thành Nhân

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác: