Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

Tin tức / Thông tin Kinh tế – Xã hội

A+ | A | A-

KINH TẾ NĂM 2023-2024: Khó khăn, thách thức và giải pháp

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 10:00 | 24/05 Lượt xem: 6945

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XV, Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế nước ta tiếp tục là “điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới”. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,05%, thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực, quý sau cao hơn quý trước và đồng đều trên cả 3 khu vực của nền kinh tế, đã hoàn thành 10/15 chỉ tiêu Quốc hội đề ra. 

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội

Trong 4 tháng đầu năm 2024, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động hơn. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ; nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng về tăng trưởng GDP, công nghiệp, du lịch, thu hút FDI, doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản… tích cực hơn so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng GDP quý I/2024 ước tính 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023; giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2024 tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023; tiêu thụ tăng, tồn kho giảm mạnh. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt gần 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15%; nhập khẩu tăng 15,4%;  xuất siêu 8,4 tỷ USD. Tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng đạt gần 9,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt hơn 7,1 tỷ USD, tăng 73,2%; vốn FDI thực hiện đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 7,4%, cao nhất của bốn tháng đầu năm trong 5 năm qua. Các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2024.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn từ các tác động bên ngoài, nhất là sức ép về lạm phát, cạnh tranh chiến lược, xung đột địa chính trị; an ninh năng lượng, lương thực còn nhiều thách thức; thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu vẫn là những rủi ro thường trực. Tăng trưởng GDP năm 2023 thấp hơn mục tiêu đề ra (6,5%), tạo ra nhiều thách thức trong việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả giai đoạn 2021-2025. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tình trạng thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế, khả năng hấp thụ vốn thấp, sức chống chịu bị bào mòn, đến mức cực hạn sau đại dịch COVID-19. 

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tại kỳ họp thứ 7

Trong thời gian đến, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, rất khó dự báo, tạo thách thức, áp lực lớn lên chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển KTXH nước ta; những cơ hội, thuận lợi, thời cơ đan xen, nhất là từ các xu thế lớn, sự dịch chuyển thương mại, dòng vốn đầu tư toàn cầu và khu vực, sự phục hồi nhu cầu đối với một số nhóm hàng tại một số thị trường, đối tác xuất khẩu lớn... Đây là điều kiện để chúng ta có thể đẩy mạnh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2024, làm giảm áp lực lên năm 2025, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 2021-2025. Một số giải pháp phát triển kinh tế chủ yếu cần được tập trung:

Một là, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; theo dõi, bám sát tình hình, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, chủ động phương án ứng phó từ sớm, từ xa với các tình huống có thể phát sinh; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, sẵn sàng can thiệp vào biến động tỷ giá trong trường hợp cần thiết; kết hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Tăng cường nắm tình hình giá cả thị trường, phân tích kỹ các mặt hàng tăng giá để có giải pháp điều hành phù hợp nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát theo kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, hạn chế tối đa áp lực lên lạm phát.

Hai là, tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, đặc biệt cho những mô hình kinh tế mới và động lực tăng trưởng mới. Sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết, các cơ chế chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua. Tập trung tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc kéo dài, nhất là trong phân cấp, phân quyền; chấn chỉnh, khắc phục triệt để việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề có tính liên ngành. 

Ba là, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, có tính liên vùng. Sớm hoàn thành nâng cấp các tuyến luồng hàng hải quan trọng kết nối vào các cảng biển lớn.

Bốn là, tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp; tập trung phục hồi, phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, chíp bán dẫn, để trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tiếp tục đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị.

Năm là, thúc đẩy phát triển liên kết vùng, phát huy vai trò của Hội đồng vùng, thực hiện nghiêm quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hoá và kinh tế đô thị. Khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch cấp quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; phát huy vai trò động lực của các vùng kinh tế - xã hội, các đô thị lớn.

Tác giả: Nho Tuấn

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác: