Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

Tin tức / Thông tin Kinh tế – Xã hội

A+ | A | A-

Bài 2: Nhận diện những khó khăn, vướng mắc

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 10:42 | 17/07 Lượt xem: 32

NỖ LỰC ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC TIÊU XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2021-2025

Bài 2:  Nhận diện những khó khăn, vướng mắc

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực sau 3 năm thực hiện, nhưng cần nhận diện đầy đủ các khó khăn, vướng mắc nhằm đề ra các giải pháp phù hợp để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Những khó khăn từ các quy định và thực tiễn 

Có thể thấy rằng Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 các tiêu chí đã nâng cao rất nhiều so với giai đoạn trước; do đó, đòi hỏi sự nỗ lực cao hơn không chỉ trong phấn đấu đạt tiêu chí mà cả trong việc duy trì không để rớt tiêu chí. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư lại giảm gần 30% so với giai đoạn 2016-2020 nên nhiều nội dung mức hỗ trợ thấp hơn so với giai đoạn trước như: trước đây bình quân một huyện NTM được hỗ trợ khoảng 80 tỷ đồng thực hiện tiêu chí cấp huyện, giai đoạn này khoảng gần 60 tỷ đồng; giai đoạn trước xã NTM nâng cao hỗ trợ khoảng 3 tỷ đồng, giai đoạn này khoảng 1,5 tỷ đồng…Do vậy, nguồn đối ứng của địa phương phải nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu gây áp lực lên ngân sách địa phương nhất là các xã miền núi, vùng khó khăn. 

Vẫn chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả kinh tế cao

Các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn, khi đạt chuẩn NTM từ xã khu vực III xuống khu vực I, đồng nghĩa không được hưởng nhiều chế độ an sinh xã hội (bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, sinh viên, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức,...), trong khi đó điều kiện chung vẫn còn nhiều khó khăn, việc đạt chuẩn NTM mới ở mức tối thiểu theo quy định, tạo tâm lý ngần ngại khi phấn đấu đạt xã NTM.

Bộ tiêu chí giai đoạn này tăng thêm nhiều chỉ tiêu, quy định mức độ đạt chuẩn cao hơn là điều cần thiết; nhưng qua kết quả rà soát thực trạng một số địa phương chưa duy trì chuẩn chuẩn cho thấy cần có thời gian để thực hiện. Bên cạnh đó, có nhiều chỉ tiêu chưa phù hợp với điều kiện của tỉnh như: chỉ tiêu về “Hệ thống cấp nước tập trung”. Đối với các địa phương  miền núi mật độ dân số thấp, dân cư sống rải rác nên việc đầu tư hệ thống cấp nước tập trung đòi hỏi nguồn vốn lớn, khó khăn trong việc thực hiện. Đối với chỉ tiêu về “Tỉ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa", đây là chỉ tiêu còn khá mới, trên thực tế còn nhiều điểm cần hoàn thiện như xây dựng hệ thống liên kết đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế, sổ quản lý sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, kê đơn điện tử,...đòi hỏi phải có nguồn lực, thời gian. Việc hướng dẫn của Trung ương về các chỉ tiêu, tiêu chí còn chậm ảnh hưởng đến công tác rà soát, đánh giá các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Đời sống một bộ phận người dân miền núi vẫn còn khó khăn nên đã ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng NTM

Ngoài ra, bước vào giai đoạn 2021-2025 cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, việc triển khai Chương trình NTM nói riêng. Bên cạnh đó, những năm gần đây, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, do nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường (cát, đất) khan hiếm, giá nhiên liệu tăng,...cũng ảnh hướng rất lớn đến việc triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng tại các địa phương, dẫn đến chậm tiến độ thực hiện và giải ngân. Thị trường bất động sản chững lại nên việc các địa phương khai thác quỹ đất để đối ứng còn khó khăn.

Dự báo khả năng hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình NTM giai đoạn 2021-2025

Qua rà soát cho thấy: trong 112 xã đạt chuẩn NTM từ năm 2020 trở về trước có 61 xã chưa đảm bảo duy trì theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2022-2025, hầu hết các xã đều chưa duy trì từ 1-2 tiêu chí. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 có 80% số xã đạt chuẩn NTM (154 xã), như vậy phải có thêm ít nhất 42 xã, tuy nhiên hiện nay chỉ có 39 xã đăng ký nên chỉ tiêu này khó đạt. 

Đối với xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu: đến nay, có 15 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, trong đó 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (Đại Hiệp), giai đoạn 2021-2025 có 87 xã đăng ký thực hiện xã NTM nâng cao, 26 xã đăng ký thực hiện xã nông thôn mới kiểu mẫu nên chỉ tiêu này có khả năng đạt.

Sắp xếp, ổn định nhà ở cho đồng bào miền núi sẽ góp phần tích cực vào kết quả xây dựng NTM, nhưng đến nay kết quả chưa được như mong đợi

Về chỉ tiêu không còn huyện không có xã đạt chuẩn nông thôn mới: chỉ còn huyện Nam Giang chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới; tuy nhiên, huyện đã đăng ký 03 xã gồm: Tà Bhing (đạt chuẩn năm 2024), LaDêê và Đắc Tôi (đạt chuẩn năm 2025); qua rà soát đến nay xã Tà Bhing đạt 16/19 tiêu chí, xã LaDêê đạt 15/19 tiêu chí và xã Đắc Tôi đạt 13/19 tiêu chí nên chỉ tiêu này có khả năng đạt. Chỉ tiêu đến năm 2025 không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí: hiện nay số xã đạt dưới 15 tiêu chí 45 xã, các tiêu chí chưa đạt đa số đều đã tiệm cận; do đó, chỉ tiêu này có khả năng đạt. 

Đối với chỉ tiêu huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM 09 huyện, thị xã, thành phố)): đến nay, có 04 đơn vị cấp huyện hoàn thành (Điện Bàn, Phú Ninh, Duy Xuyên và Tam Kỳ), tỷ lệ đạt 22,2% và có 06 huyện, thành phố (Đại Lộc, Quế Sơn, Núi Thành, Tiên Phước, Nông Sơn và thành phố Hội An) đăng ký phấn đấu đạt chuẩn vào giai đoạn 2024-2025; do đó, mục tiêu này có khả năng đạt.

Về chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người (48 triệu đồng/người/năm): do hầu hết các xã chưa đạt chuẩn NTM còn lại là xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn, thu nhập còn thấp bình quân khoảng 30 triệu đồng nên rất khó thực hiện chỉ tiêu này.

Tác giả: Nguyễn Nhật Hòa

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác: