Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

HĐND / Hoạt động giám sát HĐND

A+ | A | A-

Giám sát của Tổ đại biểu về thực hiện cơ chế hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư tại các huyện miền núi

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 9:17 | 22/11 Lượt xem: 169

Vừa qua, Đoàn giám sát của Tổ đại biểu số 3 HĐND tỉnh đã triển khai giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi tỉnh Quảng Nam theo Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 22/7/2021 của HĐND tỉnh (Nghị quyết 23) tại huyện: Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Tây Giang

Theo Nghị quyết 23, giai đoạn 2021 – 2025 tổng số hộ sắp xếp, ổn định dân cư tại các huyện Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn là 3.157 hộ dân, với tổng nhu cầu kinh phí triển khai thực hiện là 396.007 triệu đồng. Ngay sau khi Nghị quyết 23 có hiệu lực thi hành, trên cơ sở Quyết định của UBND tỉnh, Huyện ủy các địa phương đã tập trung lãnh đạo UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện và đã đạt được một số kết quả nhất định.

Đoàn Giám sát của Tổ đại biểu số 3 HĐND tỉnh làm việc tại huyện Nam Giang

Theo số liệu báo cáo, đến tháng 9/2023, tổng số hộ sắp xếp, ổn định dân cư các địa phương đã triển khai thực hiện là 732 hộ, với tổng kinh phí thực hiện so với kế hoạch là hơn 51 tỉ đồng; đạt tỷ lệ 61,89%. Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ ở vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn có chỗ ở ổn định lâu dài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh tại các địa phương miền núi. 

Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số bất cập dẫn đến có lúc, có nơi chưa thật sự phát huy hết hiệu quả của chính sách, như: Công tác tuyên truyền, triển khai vận động Nhân dân thực hiện di dời, sắp xếp ổn định dân cư tại một số nơi triển khai còn chậm; công tác chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền một số xã thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ từ khâu khảo sát đến triển khai thực hiện… làm ảnh hưởng đến tiến độ theo kế hoạch đã đề ra. Một số trường hợp các hộ đã di dời nhưng tiếp tục gặp nguy hiểm do nguy cơ thiên tai, sạt lở đất phải tiếp tục di dời. Có trường hợp cá biệt nơi được bố trí di dời của hộ dân ngay sát nơi ở cũ tiềm ẩn nguy cơ ngập lũ, sụt lún đất.

Vấn đề vướng mắc nhất là quỹ đất bố trí dân cư miền núi ngày càng hạn chế do điều kiện địa hình có độ dốc lớn; biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, hiện tượng sạt lở đất ngày càng diễn biến phức tạp, dẫn đến việc lựa chọn địa điểm để bố trí dân cư đảm bảo ổn định lâu dài, an toàn với số lượng lớn rất cần các khu vực di dời, bố trí tập trung; trong khi đó, Nghị quyết 23 không quy định nội dung hỗ trợ xây dựng các khu tái định cư tập trung nên các địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện việc di dời, bố trí, sắp xếp ổn định dân cư. Hiện trạng quỹ đất để thực hiện di dời xen ghép tại các địa phương rất hạn chế, không đảm bảo về diện tích đất ở; đất sản xuất hầu hết đã có chủ quản lý sử dụng, địa phương không có quỹ đất trống để hỗ trợ khai hoang tạo đất sản xuất dẫn đến người dân gặp khó khăn, lúng túng trong việc lựa chọn di dời đến nơi ở mới xa nơi sản xuất.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí phân bổ hằng năm thấp nên việc hỗ trợ kinh phí chủ yếu tập trung ưu tiên ở những hạng mục quan trọng như: san lấp nền nhà, di chuyển nhà, vật liệu làm nhà, xây dựng nhà vệ sinh, nước sinh hoạt... riêng nội dung hỗ trợ đất sản xuất với kinh phí tương đối lớn nhưng thực tế các địa phương không thực hiện được. Công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau khi di dời gặp khó khăn, hầu hết chưa được thực hiện.

Khảo sát thực tế tại khu vực bố trí dân cư

Để phát huy hiệu quả của chính sách, các địa phương đề nghị cần xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 23 cho phù hợp với thực tiễn triển khai thực hiện như: Cho phép địa phương sử dụng kinh phí hỗ trợ đất sản xuất (15 triệu/ hộ) sang hỗ trợ thêm vật liệu làm nhà ở cho các hộ dân; điều chỉnh diện tích đất ở tối thiểu từ 150m2 xuống khoảng 100-120m2 ( theo lô đất đấu giá) nhưng vẫn đảm bảo diện tích nền nhà tối thiểu là 60m2 để các địa phương dễ vận động thực hiện; tăng thêm mức hỗ trợ làm nhà vệ sinh...

Và vấn đề rất cần thiết là quan tâm đầu tư các khu tái định cư tập trung, các điểm tái định cư phòng, chống thiên tai trên địa bàn các huyện miền núi để giải quyết kịp thời số hộ dân bức xúc về nhà ở tại các vùng khó khăn, vùng thiên tai nhằm giải quyết cơ bản vấn đề sắp xếp dân cư miền núi theo mục tiêu đề ra.

Qua giám sát, Đại biểu HĐND tỉnh của Tổ số 3 tiếp thu, ghi nhận và tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên.

Tác giả: Thanh Tâm

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác: