Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

Cử tri – đại biểu / Diễn đàn của đại biểu

A+ | A | A-

Bài 4: Những vướng mắc sâu xa

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 8:47 | 16/01 Lượt xem: 145

CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Bài 4: Những vướng mắc sâu xa

Tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài trong quản lý và sử dụng đất là nhiệm vụ quan trọng được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nội dung này có ý nghĩa lớn lao bởi sâu xa, những bất cập, vướng mắc trong quy phạm pháp luật về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất là nguyên nhân của nhiều vấn đề nan giải về giải quyết, cấp Giấy CNQSDĐ.

Thực trạng bí bách

Theo Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ, đất sản xuất nông nghiệp được trích lại để dành cho nhu cầu công ích của xã, phường, thị trấn là không quá 5%. Qua thời gian dài, việc sử dụng, quản lý quỹ đất công ích trên thực tế và sổ sách đã có sự chênh lệch khá lớn mà nguyên nhân chính là do công tác quản lý của địa phương không được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, không kịp thời cập nhật biến động thực tế của quỹ đất này vào sổ sách, không theo dõi hoặc buông lỏng quản lý. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn tỉnh tồn tại nhiều trường hợp đất do UBND cấp xã quản lý là đất công ích trên hồ sơ 64/CP nhưng hộ dân thực tế sử dụng ổn định, liên tục trước ngày 01/7/2004 hoặc đất công ích theo hồ sơ 64/CP nhưng đã được cấp Giấy chứng nhận cho người dân. 

Một người dân tại huyện Núi Thành kiến nghị vướng mắc về đất thổ cư

Theo quy định tại khoản 2, Điều 19, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ thì người đang quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn thuộc trường hợp không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Không chỉ đất công ích, tình trạng người dân lấn, chiếm, sử dụng đất sai mục đích để làm nhà ở và sinh sống nhiều thế hệ khiến chính quyền địa phương dù biết vẫn không thể đưa ra giải pháp triệt vì chẳng thể nào thấu tình, đạt lý.

Trong một trường hợp khác, dù được bố trí đất theo đúng chủ trương, không vi phạm pháp luật về đất đai, không tranh chấp, sử dụng đất ổn định, lâu dài… nhưng người dân vẫn không đủ điều kiện để được cấp Giấy CNQSDĐ. Đó là trường hợp của các hộ dân được tổ chức di dời, bố trí tái định cư, gồm bố trí tái định cư để tránh nguy cơ đe dọa tính mạng do thiên tai, sạt lở, sụt lún và bố trí tái định cư phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội. 

Theo quy định tại Điều 65 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, tại các khu vực sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người thì phải thực hiện thủ tục thu hồi đất, thu hồi Giấy chứng nhận, cập nhật hồ sơ địa chính và tái định cư đối với các trường hợp phải di dời. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc bố trí nơi ở tạm và thực hiện tái định cư đối với người phải cưỡng chế di dời đối với trường hợp thu hồi đất quy định tại điểm đ và điểm e, khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai. Quy định là thế, nhưng trên thực tế, do điều kiện gấp rút phải thực hiện di dời và bố trí tái định cư dẫn đến một số trường hợp cơ quan chức năng không thực hiện đầy đủ thủ tục về đất đai liên quan, qua thời gian, khi chính sách đất đai thay đổi khiến cho việc cấp GCNQSDĐ cho người dân được bố trí tái định cư càng khó khăn, bế tắc. 

Nhiều trường hợp thuộc diện thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội, được bố trí tái định cư nhưng nhiều năm chưa được cấp Giấy CNQSDĐ mà nguyên nhân vẫn do chưa đảm bảo quy trình, thủ tục mà trách nhiệm không thuộc về phía người dân. Đơn cử  41 hộ dân tại 02 xã Duy Hải và Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên được bố trí đất tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng từ năm 2019 đến nay vẫn chưa được giải quyết, cấp Giấy CNQSDĐ. Trong khi người dân đã nộp tiền sử dụng đất đúng theo quy định với số tiền số tiền 4.127.145.760 đồng nhưng cơ quan chức năng liên quan vẫn xác định là chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính. Nguyên nhân là khi người dân nộp tiền sử dụng đất, Chủ đầu tư dự án đã giữ lại tiền sử dụng đất theo cơ chế tài chính thanh toán vốn đầu tư xây dựng các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An và thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân nhận đất tái định cư theo Quyết định 1284/QĐ-UBND ngày 03/5/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam1.

Trong những vụ việc tồn đọng, không thể không nhắc đến vướng mắc liên quan đến đất “thổ cư”. Thống kê của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh cho thấy việc công nhận "đất thổ cư" khá phổ biến trên địa bàn tỉnh với 148.398 trường hợp, nhiều nhất là thị xã Điện Bàn khi có đến 21.093 Giấy chứng nhận. Khi thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhiều trường hợp người dân không thống nhất giữa tên gọi ghi trên Giấy Chứng nhận và thực tế sử dụng đất nên xảy ra khiếu kiện. Trong khi đó, quan điểm khác nhau giữa cơ quan hành chính và các cơ quan tư pháp trong việc xác định lại diện tích đất ở trong thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận ghi loại đất “thổ cư” khiến cho việc giải quyết vụ việc phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và uy tín của cơ quan nhà nước.

Nhận diện nguyên nhân

Theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, việc đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý2. Hành vi sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là hành vi bị luật nghiêm cấm. Ở chiều ngược lại, cơ quan nhà nước có trách nhiệm kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính. Các quy định này nhằm đảm bảo sự quản lý nhà nước vì trước sự biến đổi có thể xảy ra đối với chủ sử dụng đất, diện tích, loại hạng đất trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, tình trạng chính quyền địa phương các cấp không thực hiện tổ chức đăng ký đất đai bắt buộc và người sử dụng đất, người được giao đất quản lý không hoặc chậm thực hiện việc đăng ký, thực hiện các giao dịch ngầm trong đất đai vẫn thường xuyên xảy ra. Về mặt pháp lý, có thể thấy luật Đất đai năm 2013 chưa xây dựng được chế tài cụ thể và chặt chẽ với cả người sử dụng đất và cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký đất đai.

Trong một vụ giải quyết vướng mắc về đất đai tại huyện Núi Thành

Bên cạnh đó, việc xử lý các vi phạm về đất đai đối với các hành vi lấn, chiếm đất còn thiếu đi mệnh đề thiết yếu là quy phạm cụ thể về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước nếu không xử phạt vi phạm hành chính, để hành vi vi phạm hành chính về lấn, chiếm đất đai tồn tại, kéo dài. Khiếm khuyết này dẫn đến tình trạng phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai còn hạn chế, chưa tương xứng với số lượng các vi phạm pháp luật về đất đai trên thực tế. Với Quảng Nam, tính trong 03 năm từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2023, số vụ xử lý vi phạm hành chính về đất đai do Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh thực hiện là 23 vụ, tương ứng 23 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 1.309.567.408 đồng (số tiền phạt: 1.015.000.000 đồng, truy thu số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm: 294.567.408 đồng); con số khá khiêm tốn trong khi báo cáo của UBND tỉnh trong từng năm về xử lý vi phạm hành chính đều gọi tên đất đai là một trong các lĩnh vực thường xuyên xảy ra vi phạm. 

Nếu chỉ căn cứ quy định pháp luật về đất đai qua các thời kỳ, việc giải quyết, cấp Giấy CNQSDĐ cho các trường hợp vi phạm nêu trên (dù lỗi từ người dân hay lỗi từ cơ quan quản lý nhà nước) sẽ rất khó khăn, bế tắc. Tuy nhiên, bởi tính chính trị, lịch sử, phức tạp và biến động mạnh mẽ của đất đai, chính sách trong luật Đất đai có xu hướng tạo điều kiện để người dân đã sinh sống ổn định, lâu dài và không có tranh chấp được giao đất, cấp Giấy CNQSDĐ để ổn định cuộc sống. Quy định hiện hành đã cho phép “hợp thức hóa” và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 trong một số trường hợp nhất định song những khe cửa hẹp này vẫn chưa thể giải quyết hết những vướng mắc sâu xa do lịch sử để lại trong quản lý, sử dụng đất đai. Câu trả lời vẫn phải chờ ở những cơ chế thông thoáng hơn trong luật Đất đai (sửa đổi).

------------------------------------------------------------------------
1 Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2790/QĐ-UBND ngày 01/10/2021 hủy quyết định này.
2 Khoản 1, Điều 95

Tác giả: Nam Thanh

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác: