Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

Cử tri – đại biểu / Diễn đàn của đại biểu

A+ | A | A-

Tổ đại biểu cần được sử dụng con dấu của HĐND khi giám sát

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 11:23 | 22/01 Lượt xem: 141

Để phát huy vai trò giám sát của Tổ đại biểu HĐND, nhất là đối với những vụ việc bức xúc nổi cộm ở cơ sở, cần bổ sung quy định về Thư ký tham mưu, phục vụ cho hoạt động giám sát của Tổ; quy định Tổ đại biểu HĐND được sử dụng con dấu của HĐND khi triển khai hoạt động giám sát của Tổ; bổ sung quy định về trình tự tiến hành giám sát của Tổ đại biểu…

Cần có Thư ký tham mưu, phục vụ

Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu chỉ được đặt ra từ năm 2015 - kể từ khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương được ban hành, tuy nhiên, chỉ dừng lại ở một điều luật quy định khá đơn giản về nhiệm vụ: “giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật, văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp trên địa bàn hoặc về các vấn đề do HĐND hoặc Thường trực HĐND phân công”. Phải đến khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022, hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND mới được quy định rõ ràng, cụ thể.

Tổ đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi tại huyện Nam Giang

Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND, đối chiếu với những quy định hiện hành cho thấy, về tổ chức: quy định hiện hành chỉ quy định nhiệm vụ của Tổ trưởng và các thành viên, còn thiếu quy định liên quan đến bộ phận tham mưu, giúp việc cho Tổ đại biểu để triển khai giám sát. Trong điều kiện các đại biểu HĐND hầu hết hoạt động kiêm nhiệm, rất cần có một Thư ký của Tổ để tham mưu, giúp cho Tổ trong giám sát. Vì vậy, cần bổ sung quy định về Thư ký tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của Tổ đại biểu. Theo đó, Thư ký do Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND tỉnh, Văn phòng HĐND - UBND cấp huyện phân công. Mỗi Tổ đại biểu bố trí một Thư ký tham mưu kế hoạch giám sát hàng năm của Tổ đại biểu; xây dựng dự thảo các văn bản để triển khai hoạt động giám sát của Tổ đại biểu…

Đối với việc xác nhận giá trị pháp lý những văn bản triển khai hoạt động giám sát của Tổ, Điều 21 Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 chỉ quy định: “Thường trực HĐND thông báo mẫu chữ ký của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ đại biểu HĐND cùng cấp đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để xác nhận tính pháp lý của chữ ký đó”. Như vậy là chưa quy định rõ về việc sử dụng con dấu HĐND trong văn bản của Tổ đại biểu. Câu hỏi đặt ra: văn bản của Tổ đại biểu mà chỉ có chữ ký của Tổ trưởng/Tổ phó (cho dù đã được giới thiệu chữ ký) - không được đóng dấu - thì liệu có rõ ràng, chính xác về mặt pháp lý?

Trước Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, trong Nghị quyết 629/2019/NQ-UBTVQH14 về hướng dẫn một số hoạt động của HĐND cũng chỉ quy định: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ đại biểu HĐND, chữ ký của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ đại biểu HĐND là cơ sở xác nhận tính pháp lý của văn bản do Tổ đại biểu HĐND ban hành” (Điều 5) - nghĩa là cũng chỉ đề cập đến chữ ký trên văn bản mà không đề cập đến việc sử dụng con dấu. Vì vậy, cần bổ sung quy định “Tổ đại biểu HĐND được sử dụng con dấu của HĐND khi triển khai hoạt động giám sát của Tổ”.

Bổ sung quy định trình tự tiến hành giám sát

Về trình tự, thủ tục tiến hành giám sát, những quy định trong Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 về hoạt động giám sát của Tổ đại biểu tuy đã rõ ràng, cụ thể hơn những quy định pháp luật trước đó, tuy nhiên vẫn chưa đầy đủ. Cụ thể, chỉ gồm các quy định về phạm vi giám sát của Tổ đại biểu; tổ chức để đại biểu HĐND thực hiện hoạt động giám sát; cơ sở để Tổ đại biểu triển khai giám sát; quy định về nhiệm vụ của Tổ trưởng Tổ đại biểu và các thành viên Tổ đại biểu trong hoạt động giám sát. Vẫn còn thiếu những quy định cụ thể về các trình tự để Tổ đại biểu triển khai giám sát, dẫn đến các địa phương phải tự nghiên cứu, vận dụng cách thức tiến hành giám sát của các Ban HĐND nên không có sự thống nhất.

Thực tế trên cho thấy, cần bổ sung quy định về trình tự tiến hành giám sát của Tổ đại biểu như sau: Tổ đại biểu gửi văn bản đề xuất kế hoạch giám sát đến Thường trực HĐND; Thường trực HĐND xem xét, nếu đồng ý thì có văn bản thống nhất chủ trương; Tổ đại biểu gửi Thông báo Kế hoạch giám sát đến cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát; Tổ tiến hành giám sát; sau giám sát, Tổ đại biểu gửi Báo cáo kết quả giám sát đến Thường trực HĐND. Thường trực HĐND ban hành Thông báo kết quả giám sát của Tổ.

Hệ thống hóa để tránh chồng chéo

Ngoài ra, trong những quy định pháp luật về hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND vẫn còn những quy định chồng chéo, không thống nhất nhưng chưa được hệ thống hóa. Cụ thể: Nghị quyết 629/2019/NQ-UBTVQH14, tại Điều 9 quy định “Trường hợp Tổ đại biểu HĐND giám sát theo thẩm quyền thì Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND quyết định đối tượng, phạm vi, nội dung, kế hoạch và thành phần tham gia giám sát của Tổ đại biểu HĐND”. Đến Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, nội dung nêu trên được quy định như sau: “Trường hợp Tổ đại biểu HĐND chủ động giám sát theo thẩm quyền thì Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp về kế hoạch, nội dung, đối tượng giám sát và thành phần tham gia giám sát trước khi thực hiện” (Khoản 2 Điều 18).

Có thể thấy, quy định trong Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 là phù hợp. Hơn nữa, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ban hành sau Nghị quyết 629/2019/NQ-UBTVQH14, nhưng lại không bãi bỏ, thay thế điều khoản quy định về hoạt động giám sát của Tổ đại biểu trong Nghị quyết 629/2019/NQ-UBTVQH14, dẫn đến chồng chéo, không thống nhất. Vì vậy, cần bãi bỏ những quy định về hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND đã được quy định trong Nghị quyết 629/2019/NQ-UBTVQH14. Cụ thể: Khoản 2 Điều 5 và Điều 9 của Nghị quyết 629/2019/NQ-UBTVQH14.

Nguồn tin: daibieunhandan.vn

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác: