Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

Cử tri – đại biểu / Diễn đàn của đại biểu

A+ | A | A-

Tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản (Bài 1)

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 8:09 | 01/02 Lượt xem: 108

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN:
Bài 1: Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản còn nhiều bất cập

Tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên khoáng sản nói riêng có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương nói riêng và của quốc gia nói chung. Tầm quan trọng của khoáng sản là không thể phủ nhận và việc quản lý hoạt động khai thác khoáng sản được xác định là một trong những nhiệm vụ cần được hết sức chú trọng nhằm hạn chế xảy ra những hệ luỵ khó lường. Vì vậy, đòi hỏi các ngành, các cấp cần tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm của mình trong tất cả các khâu quy trình thực hiện dự án khai thác khoáng sản.

Những nỗ lực trong thời gian qua…

Trong giai đoạn hiện nay, nguồn tài nguyên khoáng sản đang dần bị cạn kệt. Thực tế cho thấy hoạt động khai thác khoáng sản bừa bãi, lãng phí không chỉ dừng lại ở việc gây tổn thất tài nguyên và nguồn thu ngân sách mà hệ lụy từ việc khai thác khoáng sản tràn lan đã khiến nhiều hộ gia đình khó khăn vì thiếu hoặc mất hẳn đất sản xuất, môi trường chịu nhiều tác động tiêu cực, hạ tầng hư hỏng, xuống cấp … Chính vì vậy, việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản được xem là việc làm cấp thiết, cần được chú trọng, công tác quản lý đối với hoạt động khoáng sản cần được tăng cường, hệ thống pháp luật phải ngày càng hoàn thiện nhằm tạo hành lang pháp lý để quản lý hoạt động khoáng sản theo hướng hiệu quả, bền vững, đảm bảo môi trường và quốc phòng, an ninh.

Ngoài quy định Luật Khoáng sản, các nghị định hướng dẫn thi hành Luật khoáng sản, thời gian qua, Trung ương và tỉnh đã ban hành khá nhiều chủ trương liên quan đến vấn đề này. 

Riêng đối với HĐND tỉnh, theo thẩm quyền quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khoáng sản và các quy định pháp luật liên quan, Đảng đoàn HĐND tỉnh, HĐND tỉnh cũng đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề, tham gia các Đoàn Kiểm tra liên quan đến hoạt động khoáng sản... Trên cơ sở kết quả giám sát, khảo sát và thông qua hoạt động tiếp dân, tiếp xúc cử tri, HĐND tỉnh kịp thời đề ra một số chủ trương nhằm tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản như: Công văn số 104-CV/ĐĐ ngày 16/11/2023; Nghị quyết 187/2010/NQ-HĐND ngày 09/12/2010 về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 126/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của HĐND tỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Quảng Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và các nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 126/2014/NQ-HĐND.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát thực tế. Ảnh: Nguyễn Nhật Hòa

Nhìn chung, trên cơ sở quy định pháp luật, chủ trương của Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh, UBND tỉnh cũng đã kịp thời ban hành triển khai thực hiện. Nhờ đó. công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nề nếp, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm việc chấp hành pháp luật về khoáng sản ngày càng được chú trọng nên nhận thức và tinh thần trách nhiệm về  bảo vệ, quản lý tài nguyên khoáng sản của đại đa số cán bộ, công chức, Nhân dân và các tổ chức, cá nhân ngày càng được nâng cao. Phần lớn các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản chấp hành tốt các quy định pháp luật có liên quan; thực hiện đúng các nội dung của giấy phép, tuân thủ quy trình, công tác an toàn lao động. Một số đơn vị đã đầu tư thiết bị, máy móc, sử dụng công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến, tận thu tối đa khoáng sản... Qua đó từng bước nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

…và thực trạng công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh

Những nỗ lực của chính quyền các cấp trong thời gian qua nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản đã mang lại những tác động khá tích cực. Tuy vậy, thực trạng hiện nay vẫn còn một số đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới môi trường, nước thải từ quá trình khai thác, chế biến khoáng sản chưa được xử lý triệt để, có xảy ra hiện tượng khai thác trái phép; vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư cho công tác an toàn và bảo hộ lao động, đầu tư công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến gắn với công tác bảo vệ môi trường; hoạt động khai thác trái phép chưa được ngăn chặn triệt để, nhất là khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông còn diễn biến phức tạp; tình trạng vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép chưa được khắc phục triệt để. 

Một mỏ đá đang được khai thác. Ảnh: Nguyễn Nhật Hòa

Việc quản lý, giám sát hoạt động khai thác, thống kê sản lượng khai thác, quản lý nguồn thu từ hoạt động khoáng sản còn bất cập. Kết quả giám sát của HĐND tỉnh về tình hình quản lý, khai thác, chế biến, sử dụng mỏ khoáng sản cát trên địa bàn tỉnh đã chỉ ra: Chính quyền một số địa phương chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ hồ sơ sổ sách mua bán cát tại các điểm mỏ và các bến nhập nên việc chấp hành quy định về sử dụng hóa đơn trong hoạt động mua bán cát còn khá ít, việc kê khai khối lượng phụ thuộc vào tính trung thực của đơn vị khai thác mỏ nên rất khó xác định trữ lượng khai thác thực tế. Hơn nữa, việc đánh giá, xác định lại hiện trạng trữ lượng mỏ sau mỗi mùa mưa lũ chưa đươc thực hiện thường xuyên nên không có cơ sở để so sánh trữ lượng cát còn lại tại mỏ so với trữ lượng được cấp phép ban đầu. Việc kiểm soát độ sâu khai thác chưa được chú trọng, dẫn đến việc việc khai thác không đúng theo thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản và thất thu khoản nghĩa vụ tài chính nhà nước từ hoạt động khai thác khoáng sản cát. Thất thu trong lĩnh vực khai thác khoáng sản cũng là một trong vấn đề mà đơn vị thu thuế phản ánh, kiến nghị nhiều lần tại các cuộc làm việc với cơ quan HĐND tỉnh.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tại một số địa phương đã thành lập các tổ chốt chặn, huy động tổ chức hoạt động đoàn thể tham gia giám sát; tuy nhiên, hoạt động của một số tổ chốt chặn chưa hiệu quả, so với yêu cầu đặt ra, vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu lực lượng, phương tiện, nhất là thiếu cán bộ thanh tra có nghiệp vụ chuyên môn sâu về lĩnh vực khoáng sản. 

Vấn đề phối hợp trong quản lý khai thác, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác giữa một số địa phương giáp ranh cũng còn nhiều vấn đề cần quan tâm. 

Công tác quản lý phương tiện vận tải khoáng sản chưa chặt chẽ, tình trạng vi phạm về tải trọng, tốc độ, rơi vãi khi vận chuyển... còn xảy ra nhiều, có tàu thuyền vận chuyển cát không thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm; có tình trạng sử dụng một biển số cho nhiều tàu, nhiều phương tiện vi phạm về tải trọng, người điều khiển phương tiện chưa có chứng chỉ chuyên môn hành nghề…

Đáng lưu ý, việc hoàn thổ, phục hồi môi trường thông qua việc ký quỹ phục hồi môi trường được xem là biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường từ hoạt động khai thác. Thế nhưng, việc triển khai trong thực tiễn còn bất cập, tình trạng doanh nghiệp khai thác khoáng sản không thực hiện đúng cam kết hoàn thổ sau khai thác vẫn còn xảy ra khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến môi trường, đời sống của người dân và kết cấu hạ tầng tại địa phương. Mặc dù quy định đã nêu rõ “Số tiền kỹ quỹ tối thiểu phải bằng chi phí thực tế để cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản. Nguyên tắc tính toán số tiền ký quỹ là dựa trên cơ sở dự báo tác động xấu nhất tới môi trường sinh thái do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra”; song theo phản ánh các địa phương, việc dự toán chi phí cải tạo, phục hồi môi trường không chuẩn xác nên số tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường thường không đảm bảo chi phí đáp ứng các yêu cầu quy định về hoàn trả mặt bằng sau khai thác nên trong một số trường hợp, ngân sách phải cấp bù kinh phí mới đảm bảo nguồn lực thực hiện.

Tác giả: Gia Hân

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác: