Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

Tin tức / Văn hóa – đời sống

A+ | A | A-

Cho ý kiến về dự thảo nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cai nghiện ma túy

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 15:44 | 08/03 Lượt xem: 2243

Chiều 6.3.2023 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì buổi họp cho ý kiến về dự thảo nghị quyết quy định nội dung, mức chi thực hiện cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Tại cuộc họp đại diện lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh và các cơ quan, đơn đã có nhiều ý kiến góp ý về nội dung dự thảo nghị quyết.

Quang cảnh buổi họp

Cụ thể hóa 03 nhóm chính sách của Thông tư 62/2022/TT-BTC


Sở Tài chính - cơ quan được giao nhiệm vụ tham mưu hồ sơ dự thảo nghị quyết về nội dung trên đề xuất UBND tỉnh trình kỳ họp 13 HĐND tỉnh ban hành nghị quyết để quy định về 03 nhóm chính sách cụ thể hóa các quy định tại Thông tư 62/2022/TT-BTC, gồm: (i) quy định nội dung, mức chi thực hiện cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện (tự nguyện, bắt buộc); (ii) quy định mức đóng góp của người cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện công lập; (iii) chế độ trợ cấp đặc thù đối với viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo dự thảo, chế độ đối với người cai nghiện bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc trong thời gian cai nghiện được quy định cụ thể gồm chi tiền ăn 0,9, mức lương cơ sở/người/tháng; chi hỗ trợ các vật dụng sinh hoạt (chăn, màn, chiếu, gối, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân) bằng mức 0,9 mức lương cơ sở/năm; chi hỗ trợ học phẩm, tối đa 300 nghìn đồng/học viên/năm; chi tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao 100 nghìn đồng/học viên/năm.

Chi phí mai táng đối với trường hợp người cai nghiện bắt buộc chết trong thời gian chấp hành quyết định tại cơ sở mà không có thân nhân hoặc thân nhân không đến nhận trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm đối tượng chết bằng 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh (360 nghìn đồng/tháng) quy định tại Khoản 1, Điều 3 Nghị quyết 43/2021/NQ-HĐND ngày 8/12/2021 của HĐND tỉnh. Ngoài ra, người cai nghiện bắt buộc chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện còn được cấp 01 bộ quần áo với mức tối đa 400.000 đồng/người.

Đối với chính sách hỗ trợ cai nghiện tự nguyện, cơ quan chuyên môn đề nghị chi thù lao hàng tháng đối với người được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ các đối tượng cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo phân công của Chủ tịch UBND cấp xã bằng 0,5 lần mức lương cơ sở người/tháng; chi hỗ trợ một lần kinh phí cai nghiện đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng khi hoàn thành ít nhất 3 giai đoạn theo quy định tại Điều 22, Điều 23 và Điều 24 của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP là 1,5 triệu đồng/người.

Trường hợp thực hiện cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc được hỗ trợ 100% chi phí cai nghiện ma túy và thuốc chữa bệnh thông thường; hỗ trợ 100% chỗ ở. Đồng thời, hỗ trợ tiền ăn, quần áo, chăn, màn, chiếu, gối, đồ dùng sinh hoạt cá nhân bằng 70% mức chi đối với người cai nghiện bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; phần còn lại người tham gia cai nghiện tự nguyện có trách nhiệm đóng góp.

Về chính sách trợ cấp đặc thù đối với viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ quan soạn thảo đề xuất mức 1,0 MLCS/người/tháng.

Nhiều góp ý cụ thể

Đánh giá về công tác tham mưu, chuẩn bị dự thảo nghị quyết, các đại biểu cho rằng cơ quan chủ trì soạn thảo đã xác định và làm rõ, cụ thể chi tiết các nội dung, quy định liên quan, bao gồm các nội dung thực hiện theo Thông tư số 62/2022/TT-BTC và những nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh; các nội dung và mức chi có xét đến tình hình thực tế của địa phương. Tuy nhiên, để đảm bảo các yêu cầu của nghị quyết quy phạm pháp luật các đại biểu đã góp ý, đề nghị nhiều vấn đề.

Đại diện Ban VH-XH HĐND tỉnh cho rằng khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết mới cụ thể hóa Thông tư 62/2022 thay thế các quy định hiện hành (Nghị quyết 20/2018, Nghị quyết 18/2019) thì cần có báo cáo đánh giá về tình hình, kết quả thực hiện các Nghị quyết 18, 20. Đây là cơ sở quan trọng để xem xét ban hành chính sách mới phù hợp thực tiễn vì ngoài các chính sách khung thì trung ương đã giao thẩm quyền HĐND tỉnh quy định chính sách cao hơn và chính sách đặc thù. Do vậy cơ quan soạn thảo cần phối hợp  bổ sung nội dung này.

Tham gia ý kiến về nội dung chính sách hỗ trợ người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, đại biểu đề nghị xem xét sự hợp lý về chính sách hỗ trợ 70% tiền ăn, quần áo, chăn, màn, chiếu, gối, đồ dùng sinh hoạt cá nhân so với các đối tượng khác. Đồng thời cần xem xét các điều kiện về cơ sở vật chất, khả năng tiếp nhận của cơ sở cai nghiện bắt buộc để có chính sách phù hợp theo hướng ưu tiên chỗ ở để tiếp nhận đối tượng cai nghiện bắt buộc, đáp ứng nhu cầu các địa phương và mục tiêu khi đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở.

 Đại diện Ban Pháp chế đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét tính đồng bộ, phù hợp về nội dung quy định chính sách trợ cấp đặc thù đối với viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nội dung chính sách đề xuất lần này cơ bản kế thừa quy định tại Nghị quyết 19/2018/NQ-HĐND tỉnh; tuy nhiên cần cân khắc khi mở rộng đối tượng là “người lao động hợp đồng trong định mức lao động do HĐND tỉnh phân bổ” vì đối chiếu với Nghị định 26/2016 và Nghị định 116/2021 thì đối tượng này không thuộc trường hợp được hưởng trợ cấp đặc thù. Trong trường hợp cần phải có chính sách cho các đối tượng này thì phải thực hiện thủ tục xin ý kiến các bộ, ngành trung ương theo quy định tại Điều 21 Nghị định 163/2016.

Bên cạnh đó, cách tính mức trợ cấp đặc thù cũng cần đảm bảo phù hợp, thống nhất với Nghị định 26/2016 vì Nghị định 26 quy định số tiền cụ thể 500.000 người/tháng (và HĐND tỉnh có thể quy định mức cao hơn) nhưng dự thảo nghị quyết đề nghị quy định theo hệ số với mức 1,0 MLCS/người/tháng.

Góp ý về chế độ thù lao đối với người được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ các đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng cồng (Khoản 2 Điều 6 Thông tư 62/2022/TT-BTC), người được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ hỗ trợ người bị quản lý sau cai nghiện (Khoản 3 Điều 8 Thông tư 62/2022/TT-BTC), đại biểu đề nghị xem xét về hiệu quả hoạt động thực tế, phương án giao 01 chức danh thực hiện cả hai nhiệm vụ (hỗ trợ cai nghiện tự nguyện và quản lý sau cai nghiện), tránh tình trạng nhiều chức danh hưởng chế độ thù lao nhưng hiệu quả hoạt động không cao.

Kết luận cuộc họp Phó Chủ tịch Trần Anh Tuấn  đề nghị Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu những nội dung góp ý của các đại biểu hoàn chỉnh các dự thảo văn bản trình HĐND tỉnh, đảm bảo chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục quy định. Tiếp tục rà soát chặt chẽ đối tượng của chính sách, nội dung chi và mức chi; trong đó cần lưu ý các nội dung được phép áp dụng theo mức thực tế tại địa phương và nội dung chi, mức chi thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh; phân loại đối tượng thụ hưởng chính sách phù hợp; phân nhóm đối tượng cần hỗ trợ cai nghiện và đối tượng phục vụ, hỗ trợ công tác cai nghiện. Yêu cầu chung là kế thừa các nội dung còn phù hợp tại các Nghị quyết 18, 19, 20 của HĐND tỉnh; đồng thời rà soát chặt chẽ nội dung của Nghị quyết, đảm bảo không trái với các quy định của Thông tư số 62/2022, Nghị định 26/2016. Bên cạnh đó có dự kiến tổng nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết để làm cơ sở cân đối kinh phí ban hành và thực hiện chính sách.

Tác giả: Thành Nhân

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác: