Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Cử tri – đại biểu / Diễn đàn của đại biểu

A+ | A | A-

Trao đổi, truyền đạt nhiều kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 15:59 | 22/11 Lượt xem: 7564

 Trong 03 ngày từ 16 đến hết 18.11.2021 lớp tập huấn đối với giảng viên, báo cáo viên, bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021 – 2026 do Bộ Nội vụ tổ chức đã diễn ra theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Bộ đến điểm cầu 61 tỉnh, thành phố. Với đội ngũ giảng viên tham gia là những người có nhiều kinh nghiệm giảng dạy và quản lý, qua 14 chuyên đề gồm các nội dung kiến thức, nhận thức tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội, định hướng phát triển của địa phương trong thời gian tới; những kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết trong hoạt động của đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã..., đã truyền đạt, gợi mở kiến thức hiểu biết, kỹ năng hoạt động, nhất là những vấn đề liên quan mật thiết đến HĐND cấp huyện, cấp xã như: xây dựng và ban hành nghị quyết; giám sát quản lý nhà nước về đất đai; thẩm tra, giám sát việc thực hiện NSNN; giám sát quản lý nhà nước về an sinh xã hội,.. .


 
 Lớp tập huấn kết nối trực tuyến từ điểm cầu Bộ Nội vụ đến các tỉnh, thành phố. Ảnh: moha.gov.vn.


Đại biểu cần chủ động, nhạy bén và bản lĩnh với các vấn đề của địa phương

Trao đổi về chuyên đề “Kỹ năng của đại biểu HĐND xã, huyện trong xây dựng, ban hành văn bản nghị quyết” giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia, Bộ Nội vụ, PGS.TS. Nguyễn Thị Phượng cho biết, nghị quyết của HĐND cấp huyện, cấp xã được ban hành để quy định tiếp những vấn đề được luật giao, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND cấp huyện, cấp xã. Đại biểu cần tham gia vào quá trình sáng kiến, xác định được vấn đề xã hội và biết cách lựa chọn vấn đề nào thực sự cần thiết như giáo dục, y tế, thuế... để đưa vào chương trình xây dựng ban hành nghị quyết với phương án cụ thể.

Khẳng định vai trò và trách nhiệm của mỗi đại biểu HĐND trong tham gia thực hiện chức năng quyết định, PGS.TS. Nguyễn Thị Phượng cho rằng “Để thực hiện tốt vai trò tham gia xây dựng và ban hành nghị quyết, đại biểu HĐND cần nắm bắt rõ ràng, cụ thể tình hình thực tế của địa phương, tăng cường tiếp xúc cử tri. Đại biểu HĐND, Văn phòng HĐND và UBND cần có cơ chế để tổng hợp, tiếp nhận và xử lý thông tin do báo chí và nhân dân phản ánh”. Yêu cầu cụ thể đối với các dự thảo nghị quyết là phải bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý, tính khoa học và yêu cầu của kỹ thuật lập quy của văn bản. Và muốn ban hành được nghị quyết chất lượng, đại biểu HĐND cần có đầy đủ thông tin về vấn đề mình tham gia xây dựng và có năng lực xử lý thông tin do mình thu thập hoặc có được để cung cấp, nhận diện đúng vấn đề, chọn lựa giải pháp tối ưu.

Đối với chuyên đề “Kỹ năng giám sát quản lý Nhà nước về đất đai”, PGS.TS. Nguyễn Thị Phượng chia sẻ, khi giới thiệu với các đại biểu thì báo cáo viên, giảng viên cần lưu ý làm rõ những điểm về quyền hạn của chính quyền cấp huyện và các nhiệm vụ quan trọng như quy hoạch đất đai; giao đất, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thanh tra, giải quyết khiếu nại... và thực hiện các nội dung khác về quản lý đất đai.

Về vấn đề giám sát, quản lý nhà nước về đất đai của HĐND cấp huyện, xã, HĐND cần tập trung chuyên sâu vào các lĩnh vực như giám sát chuyên đề "việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất".

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, các đại biểu HĐND cần tự nghiên cứu những kiến thức cơ bản của các văn bản hiện hành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai; thu thập xử lý các nguồn tin chính từ các báo cáo thường kỳ của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền bị chất vấn; các báo cáo cung cấp thông tin độc lập. Đồng thời, nắm chắc và nghiên cứu những dư luận xã hội về quản lý đất đai, báo cáo điểm báo, kinh nghiệm quốc tế… của HĐND; các nguồn thông tin từ tiếp xúc cử tri…

Khẳng định hoạt động giám sát quản lý nhà nước về đất đai là vấn đề cần chuyên môn sâu, PGS.TS. Nguyễn Thị Phượng cho rằng “mức độ chủ động, nhạy bén và bản lĩnh của từng đại biểu với các vấn đề của địa phương là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, đại biểu HĐND cần có “phông nền” về pháp luật vững vàng để tham mưu giúp địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Giám sát ngân sách nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm của đại biểu

PGS.TS Nguyễn Xuân Thu, Trưởng bộ môn Quản lý NSNN về Kinh tế - tài chính công, Học viện Hành chính Quốc gia là người trao đổi, truyền đạt chuyên đề “Kỹ năng thẩm tra, giám sát việc thực hiện NSNN ở cấp huyện, cấp xã”. Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thu để giám sát được việc sử dụng ngân sách, các đại biểu cần nắm bắt được nguyên lý vận hành cũng như nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách. Báo cáo viên, giảng viên cần giúp cho các đại biểu làm tốt việc đọc hiểu các văn bản quy phạm về NSNN. “Các hoạt động thu-chi cần phải tuân thủ các văn bản luật như Luật NSNN, đối với cấp xã cũng có riêng Thông tư 344/2016/TT-BTC Quy định quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, khi đi giảng dạy các báo cáo viên cần chỉ rõ cho đại biểu các văn bản này. Việc nắm rõ luật sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình giám sát của họ”.

Ngoài các văn bản về lĩnh vực tài chính, PGS.TS Nguyễn Xuân Thu đề nghị khi tập huấn đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã các giảng viên, báo cáo viên cũng nên lưu ý các đại biểu nên xem xét kỹ các luật đầu tư công, cũng như các văn bản pháp luật, kinh phí chi thường xuyên, nguồn thu, nhiệm vụ chi ở địa phương… đây chính là cơ sở để các đại biểu thực hiện giám sát cũng như đưa ra các câu hỏi chất vấn với các cấp có thẩm quyền. Việc chỉ nghiên cứu văn bản lĩnh vực tài chính mà không đề cập văn bản ở các lĩnh vực liên quan khác thì sẽ rất khó để giám sát, thẩm tra vì đây là những lĩnh vực liên quan mật thiết với nhau.

Các văn bản hướng dẫn về thu chi tài chính đã được Bộ Tài chính ban hành hàng năm, khi giảng dạy các báo cáo viên, giảng viên cần giúp đại biểu nắm được các văn bản cụ thể. Trong phân tích báo cáo NSNN, báo cáo viên cần giúp cho các đại biểu xem xét căn cứ xây dựng dự toán, nhìn nhận được sự đầy đủ, chính xác của số liệu cũng như tính khả thi của từng giải pháp. Ở vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thu cũng lưu ý các phương pháp phân tích dành cho báo cáo, các đại biểu cần lựa chọn 3 nguồn thu chi quan trọng nhất, sau đó có đánh giá về các yếu tố ảnh hưởng cũng như mức độ ảnh hưởng, cuối cùng cần phân tích rõ các biện pháp can thiệp mà UBND cùng cấp trình.

Ở cấp huyện, các đại biểu cần quan tâm đến 2 vấn đề là nợ đọng và thất thu trong sử dụng NSNN cũng như các vấn đề miễn, giảm, giãn thuế. Để đánh giá về 2 vấn đề này, các đại biểu cần dựa trên cơ sở thực hiện của năm trước, căn cứ vào dự báo tăng trưởng trên địa bàn để xác định tổng mức thu ngân sách năm sau.

Đi cụ thể hơn về hoạt động giám sát việc sử dụng NSNN tại cấp huyện, xã, PGS.TS Nguyễn Xuân Thu cho rằng các báo cáo viên cần giúp các đại biểu biết cần giám sát kỹ tại các điểm nào. Việc giám sát sẽ dựa trên bốn mảng: Quá trình dự toán, phân bổ ngân sách; chấp hành ngân sách: chấp hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức, thực hiện các cơ chế, chính sách, tiết kiệm, hiệu quả và cuối cùng là quyết toán ngân sách.

Khẳng định, giám sát NSNN là một chức năng quan trọng của HĐND và là một nhiệm vụ trọng tâm của đại biểu HĐND. Vấn đề này rộng và phức tạp, nên cần xác định ưu tiên trong giám sát. Cùng với đó, đọc, nghe, thảo luận, chất vấn về các báo cáo NSNN là hình thức giám sát hữu hiệu. Để thực hiện tốt các kỹ năng này các địa phương cần tổ chức tốt hệ thống thông tin về hoạt động NSNN để giám sát đạt mục tiêu đúng, trúng và kịp thời.

Giám sát lĩnh vực xã hội cần có kỹ năng và trách nhiệm

“Có rất nhiều bước, quy trình để thực hiện công tác giám sát nhưng không thể tách rời 2 từ khóa: Kỹ năng và trách nghiệm” đó là chia sẽ của TS. Đặng Thị Minh, Trưởng Bộ môn Văn hóa, Giáo dục, Y tế, Khoa Quản lý nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia khi trao đổi về chuyên đề “Kỹ năng giám sát quản lý nhà nước về an sinh xã hội ở cấp huyện, cấp xã”.

Ngoài việc giám sát việc thực thi pháp luật, đại biểu HĐND cấp huyện, xã còn giám sát về quản lý nhà nước dựa trên các mặt an sinh, văn hóa, giáo dục, y tế ở địa phương. Và đây là lĩnh vực rất rộng, nên để giám sát có hiệu quả, giảng viên, báo cáo viên cần có định hướng và làm rõ các khái niệm về an sinh xã hội, cấu trúc của hệ thống an sinh xã hội và trách nhiệm của chính quyền địa phương ở huyện, xã trong quản lý nhà nước về an sinh xã hội. Việc nắm bắt được quy trình vận động của hệ thống, cơ quan chịu trách nghiệm với các vấn đề an sinh xã hội và các mặt cần theo dõi là khâu đầu tiên để một đại biểu có thể giám sát một hay nhiều vấn đề.

Về kỹ năng giám sát đối với an sinh xã hội, các đại biểu sẽ giám sát và theo dõi sự quản lý nhà nước của địa phương ở 4 mảng lớn: (1) giám sát thực hiện chính sách trợ giúp xã hội; (2) giám sát việc địa phương, UBND cùng cấp hoặc cấp dưới thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững, cuộc sống của cử tri phải bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản; (3) giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi người có công; (4) giám sát các chính sách còn lại như chính sách việc làm, thu nhập, trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn, hệ thống cung cấp dịch vụ công về an sinh xã hội thông qua công tác xã hội chuyên nghiệp hay cụ thể nhất hiện nay là hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong thời gian qua.

“Ở các phần này các giảng viên nên sử dụng các phương pháp thuyết trình, hỏi đáp, trao đổi, thảo luận nhóm hoặc thiết kế một số tình huống để giúp bài giảng sinh động và để đại biểu thảo luận, tự tìm ra các điểm hạn chế trong các lĩnh vực về an sinh xã hội, giáo dục, y tế... Các thầy cô cũng cần cung cấp các văn bản pháp lý giành cho đại biểu ở các lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh xã hội tại địa phương”, TS. Đặng Thị Minh đưa ra những lời khuyên về phương pháp giảng dạy.

Đối với chuyên đề giám sát quản lý nhà nước ở các vấn đề  văn hóa, giáo dục, y tế  ở cấp huyện, cấp xã, các giảng viên cần phải khẳng định được vai trò của các vấn đề này đối với sự phát triển của địa phương. Các chính sách này nếu được thực hiện tốt sẽ góp phần che chắn, bảo vệ các thành viên trong cộng đồng giúp họ có điều kiện để vươn lên trong cuộc sống.  Cùng với đó, các chính sách này cũng giúp địa phương thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tạo động lực để địa phương phát triển bền vững.

Khi đại biểu nhận diện tầm quan trọng của các hoạt động an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế sẽ giúp họ chủ động hơn trong nghiên cứu, lựa chọn các vấn đề giám sát. Ngoài ra, việc am hiểu về lĩnh vực mình theo dõi sẽ làm cho hoạt động giám sát của đại biểu có chất lượng cao hơn, sát với thực tế hơn, đưa ra được giải pháp để nâng cao nâng lực quản lý của nhà nước trong mọi lĩnh vực của đời sống.

TS. Đặng Thị Minh cho rằng, cần chỉ dẫn để đại biểu nhận diện các sai phạm trong quản lý nhà nước về văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội. Ví dụ như việc trục lợi chính sách giảm nghèo, người có công, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, hay việc trục lợi quỹ BHXH, phân chia nguồn quỹ an sinh xã hội chưa đúng đối tượng, chưa đồng đều. Trong y tế là những hoạt động như sai phạm của các cơ sở trong hành nghề y dược trên địa phương, sai phạm về sử dụng quỹ BHYT, chăm sóc sức khỏe các đối tượng yếu thế, sai phạm trong công tác phòng chống dịch bệnh. Hay các sai phạm trong văn hóa, như trong bảo tồn di tích lịch sử, bảo vệ môi trường trong và bên ngoài khu di tích, bài trừ các hủ tục gây cản trở sự phát triển của địa phương...

Kết thúc bài giảng, TS. Đặng Thị Minh cho rằng, để làm tốt công tác giám sát trong các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, giáo dục, y tế, ngoài các kỹ năng cơ bản tại lớp học, đại biểu cần đi sâu, tìm tòi, nhận diện những bất cập tại địa phương. Đồng thời, đại biểu cũng cần thể hiện rõ trách nhiệm của mình khi phát hiện các sai phạm, đặc biệt là trục lợi chính sách an sinh xã hội nhằm bảo vệ người dân - những người bỏ lá phiếu bầu ra mình. 

Bế mạc Hội nghị tập huấn, Ban tổ chức đã đề nghị các tỉnh, thành phố sớm tổ chức kế hoạch bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã để kịp thời trang bị kỹ năng, kinh nghiệm giúp cơ quan dân cử địa phương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Ngoài 03 chuyên đề bắt buộc, địa phương cần lựa chọn ít nhất 03 chuyên đề tự chọn để tổ chức tập huấn phù hợp với thực tiễn của địa phương. Đối với các báo cáo viên là đại biểu HĐND tỉnh tham gia lớp tập huấn, Ban tổ chức hy vọng từ những kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng, phương pháp giảng dạy tiếp nhận được từ khóa tập huấn sẽ gợi mở, giúp học viên nghiên cứu vận dụng trong thực tế công tác của mình, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương./.

Tác giả: THÀNH NHÂN

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website