Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Thông tin Kinh tế – Xã hội

A+ | A | A-

Chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 8:16 | 13/03 Lượt xem: 118035

Theo nguyên Cục trưởng Cục Bảo trợ lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội NGUYỄN HẢI HỮU, thời gian tới, chính sách, pháp luật giảm nghèo cần chuyển từ chính sách hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp bằng bước đi và lộ trình cụ thể. Theo đó, đối với đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ tương đối cao, chúng ta sẽ bỏ hoàn toàn chính sách hỗ trợ trực tiếp, chỉ hỗ trợ gián tiếp. Đối với dân tộc thiểu số có trình độ trung bình thực hiện hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ hàng hóa theo tiểu vùng, dự án. Đối với nhóm dân tộc thiểu số có trình độ thấp vẫn phải thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp nhưng chỉ tập trung vào y tế, giáo dục và tín dụng.

Giúp đồng bào tham gia sản xuất hàng hóa

- Thưa ông, Đoàn giám sát của UBTVQH về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018 vừa làm việc tại Sơn La và Lai Châu. Tham gia Đoàn giám sát, ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện của hai địa phương này?

- Là hai tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình khó khăn, nhưng Sơn La và Lai Châu đã thực hiện rất tốt chính sách, pháp luật về giảm nghèo: Huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong triển khai, chỉ đạo thực hiện. Nhờ vậy, thu nhập của người dân tăng nhanh từ 1,2 - 1,5 lần, các tiêu chí nghèo (y tế, giáo dục) đều đạt; đa số đồng bào dân tộc thiểu số nói và viết thành thạo tiếng phổ thông. Tuy nhiên, thiếu hụt ở hai tỉnh này là chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tiêu chí về diện tích, chất lượng nhà ở, công trình vệ sinh. Chưa thực sự đồng bộ trong hướng dẫn triển khai thực hiện, ví dụ như chính sách giữa Trung ương và địa phương, giữa huyện và tỉnh, làm giảm hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư. Vai trò của cấp xã chưa được làm rõ, hầu như các công trình dù rất nhỏ đầu tư ở xã cũng phải trình huyện, tỉnh phê duyệt. Không thực sự phát huy được vai trò của đội ngũ cán bộ trong công tác giảm nghèo. Công tác kiểm tra, giám sát, cách thức tổ chức thực hiện chưa được chú trọng.

- Báo cáo giám sát của hai tỉnh cho thấy, chúng ta vẫn đang dừng ở đánh giá giảm được bao nhiêu phần trăm tỷ lệ hộ nghèo mà chưa quan tâm đến giảm nghèo bền vững, thưa ông?

- Đúng vậy, giảm nghèo có kết quả đấy, nhưng có thực sự bền vững không? Thời gian qua, cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương tập trung khá nhiều cho các tỉnh miền núi, các huyện, xã đặc biệt khó khăn. Ví như huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, bình quân một năm ngân sách đầu tư 10 triệu đồng/hộ, 7 năm qua là 70 triệu đồng/hộ, chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến giảm nghèo. Song, đáng buồn là người dân ở đây vẫn sản xuất theo hình thức tự cung, tự cấp, tức là mới chỉ thoát nghèo. Giả dụ, khi gặp phải thiên tai, dịch bệnh, chắc chắn cái nghèo sẽ trở lại, nghèo vẫn hoàn nghèo. Lần này, Đoàn giám sát mong muốn, đồng bào dân tộc thiểu số phải tham gia được vào cơ chế thị trường, tham gia sản xuất hàng hóa, dù chỉ là quy mô nhỏ, để người dân có tích trữ, có thể chống chịu và đối phó với những rủi ro trước mắt.

Bên cạnh đó, các tỉnh chưa cũng chưa bóc tách rõ ràng số liệu nghèo giữa các dân tộc thiểu số. Dân tộc Thái, Mường, Tày có trình độ phát triển khác thế nào so với dân tộc Mảng, La Hủ? Việc đánh giá chung chung, mà không làm rõ nghèo ở nhóm dân tộc thiểu số rất ít người sẽ rất khó để Đoàn giám sát xác định đâu là rốn nghèo.

Người nghèo thiếu gì, cần gì và phải làm gì?

- Thưa ông, liên quan đến chính sách, pháp luật về giảm nghèo, chúng ta cũng nói mãi câu chuyện chính sách còn chồng chéo, chưa rõ trách nhiệm?

- Qua thực tiễn giám sát, mức độ chồng chéo chính sách cũng không được chỉ rõ. Riêng hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số chúng ta có chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Chương trình 135, Chương trình 134, Chương trình 30a… Ở đây một việc nhiều đơn vị làm, vừa khó trong triển khai thực hiện, vừa không hiệu quả. Thời gian tới, phải hướng đến mỗi chính sách, mỗi lĩnh vực chỉ có một đầu mối. Chuyển dần từ chính sách hỗ trợ trực tiếp sang gián tiếp. Và để tránh cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi bị sốc vì sự thay đổi này, chúng ta phải có bước đi cụ thể.

Theo đó, phân định nhóm dân tộc thiểu số có trình độ thấp với nhóm dân tộc thiểu số có trình độ trung bình và nhóm dân tộc thiểu số có trình độ tương đối cao. Nhóm dân tộc thiểu số có trình độ tương đối cao như Tày, Mường, Thái, chúng ta có thể bỏ hoàn toàn chính sách hỗ trợ trực tiếp, chuyển sang hỗ trợ gián tiếp. Với nhóm dân tộc thiểu số có trình độ trung bình, phải vừa hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, vừa hỗ trợ sản xuất hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm theo tiểu vùng, dự án (hỗ trợ gián tiếp thông qua cung cấp thông tin, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo đầu vào, bao tiêu đầu ra; hỗ trợ vận chuyển). Đối với nhóm dân tộc thiểu số có trình độ thấp vẫn phải thực hiện hỗ trợ trực tiếp như chính sách y tế, giáo dục, tín dụng, vì đây là vùng quá khó khăn, đồng bào dân tộc chỉ có thể sản xuất bằng hình thức tự cung, tự cấp. Tuy nhiên, hỗ trợ đối với các đối tượng phải có điều kiện, không hỗ trợ quá 5 năm, để tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước. Đồng thời tạo sự chủ động trong thoát nghèo.

Còn lại, đối tượng không có khả năng thoát nghèo như người khuyết tật, người già, chúng ta nên thực hiện chính sách trợ cấp xã hội, nâng mức trợ cấp để người dân có thể sống được. Đây không phải đối tượng của chương trình giảm nghèo.

- Vậy còn với những hộ mới thoát nghèo nhưng nguy cơ tái nghèo cao thì sao, thưa ông?

- Như tôi vừa nhắc đến chính sách có thời hạn, tức là chính sách hỗ trợ trong 5 năm, nếu hai năm đã thoát nghèo thì tiếp tục hỗ trợ hết 5 năm cho đến khi thoát nghèo hoàn toàn. Nếu thoát nghèo muộn có thể bảo lưu chính sách tối đa hai năm, để họ tiếp tục củng cố thành quả, hạn chế thấp nhất rủi ro xảy ra. Tương tự đối với xã, huyện mới thoát nghèo cũng thế, chúng ta tiếp tục bảo lưu chính sách trong thời hạn nhất định, tạo sức đề kháng cho các xã, huyện này.

- Cá nhân ông có kỳ vọng gì về chuyên đề giám sát lần này của UBTVQH?

- Vừa qua, chính sách, pháp luật giảm nghèo được xây dựng trên bình diện quốc gia. Cho nên khi đánh giá nguyên nhân nghèo đói, năng lực cán bộ, đều là đánh giá trên tổng thể các vùng, miền. Tới đây, chúng ta không thực hiện chính sách chung nữa, mà tập trung vào vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Chú trọng nâng cao năng lực của cán bộ cấp xã, huyện đặc biệt khó khăn, đặc biệt là ở nơi có đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người. Chính sách mang định hướng thực hành nhiều hơn, nên đi sâu vào cơ sở, xem hộ nghèo thiếu gì, cần gì và phải làm gì.

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Hoàng Ngọc thực hiện (theo báo đại biểu nhân dân)

Nguồn tin: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=417689

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website