Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Thông tin Kinh tế – Xã hội

A+ | A | A-

Dễ hình thức, nếu giảm đại biểu chuyên trách các Ban

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 7:17 | 13/05 Lượt xem: 41969

Một trong những giải pháp quan trọng bảo đảm hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp đó chính là nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban HĐND, mà trước hết là phát huy vai trò của đại biểu chuyên trách - “linh hồn” trong các hoạt động của Ban. Hoạt động của HĐND chắc chắn sẽ quay lại cái vòng luẩn quẩn trước đây, đó là hình thức nếu như số lượng đại biểu HĐND chuyên trách bị giảm, nhất là đối với bộ máy của các Ban HĐND.

“Linh hồn” trong hoạt động các Ban

Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021, ở cấp tỉnh có Trưởng, Phó  Trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách (Trưởng các Ban có thể là đại biểu chuyên trách, Phó Trưởng ban là đại biểu hoạt động chuyên trách), ở cấp huyện có ít nhất 1 lãnh đạo Ban HĐND hoạt động chuyên trách (có địa phương bố trí Trưởng, có địa phương bố trí Phó). Thực tế cho thấy, khi tổ chức bộ máy theo Luật mới, hoạt động của HĐND có nhiều chuyển biến rõ nét hơn, nhất là phát huy được hai chức năng quan trọng là quyết định và giám sát, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các Ban HĐND, mà “linh hồn” là các thành viên hoạt động chuyên trách. Trong thực hiện chức năng quyết định, do HĐND hoạt động theo chế độ kỳ họp và quyết định theo đa số mà hầu hết các đại biểu hoạt động kiêm nhiệm nên căn cứ để HĐND ra quyết định chính là dựa trên các báo cáo, dự thảo, đề án do UBND và các ngành trình. Ngoài ra, có thêm kênh từ TXCT và nhất là các báo cáo giám sát, thẩm tra của các Ban HĐND.


Ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh làm việc với UBND phường Đậu Liêu về tình hình thu, vận động, quản lý các loại quỹ,đóng góp của Nhân dân trên địa bàn

Đơn cử trước đây, khi số lượng đại biểu chuyên trách ít, các Ban HĐND cấp huyện hoạt động kiêm nhiệm nên chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban còn nhiều hạn chế. Thể hiện ở chỗ, do thời gian dành cho hoạt động của cơ quan dân cử ít, không chuyên tâm nghiên cứu, theo dõi nên gần như báo cáo đi theo hướng “nhất trí như ủy ban”. Thành thử một kỳ họp HĐND diễn ra khá hình thức, mờ nhạt bởi mọi thứ gần như đã… quyết rồi. Đó là chưa nói đến hoạt động chất vấn thiếu sâu sắc và quy trách nhiệm thiếu rõ ràng, dẫn đến vai trò, vị trí của HĐND chưa tương xứng với quy định của Hiến pháp và pháp luật: “là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND”.

Từ khi có các đại biểu ở các Ban hoạt động chuyên trách trên các lĩnh vực, chức năng quyết định của HĐND có bản sắc riêng, không phải nội dung gì UBND trình thì HĐND cũng nhất trí. Trong đó, Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND luôn là cẩm nang quý được các đại biểu HĐND và cử tri đón chờ nhất trong các kỳ họp, thể hiện được tinh hoa của cơ quan dân cử cũng như ý chí, nguyện vọng của các bậc cử tri trong đó. Bởi khi thực hiện theo Luật mới, các đại biểu chuyên trách được tham gia trực tiếp, thường xuyên vào các hoạt động giải trình tại phiên họp thường kỳ hàng tháng của Thường trực HĐND, các hoạt động trên các lĩnh vực của UBND theo các mảng phụ trách cũng như mối liên hệ với cử tri ngày càng bền chặt hơn. Từ các kênh đó, cùng với nghiên cứu, xem xét các báo cáo, tờ trình, đề án UBND trình, các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND đã thể hiện rõ được tính độc lập và chính kiến của HĐND trong từng nội dung. Nhất là đã chỉ ra được những nội dung đồng tình, không đồng tình và căn cứ pháp lý, thực tiễn của việc không đồng tình. Nhờ đó, trên cơ sở kết quả thẩm tra, các đại biểu HĐND sẽ có căn cứ sát thực nhất để cùng HĐND thực hiện chức năng quyết định của mình.

Về chức năng giám sát, nếu như trước đây, khi thành viên các Ban hoạt động kiêm nhiệm, số lượng các cuộc giám sát chuyên đề ít hơn, chất lượng cũng không được bảo đảm, nhất là trong việc chỉ ra các kiến nghị sát thực sau giám sát. Sau khi áp dụng Luật mới, nhờ có đại biểu HĐND chuyên trách của các Ban nên chất lượng giám sát chuyên đề của các Ban ngày càng rõ nét, vừa có chiều rộng lại sâu sắc. Kết luận giám sát có địa chỉ, thời gian rõ ràng nên sau giám sát hầu như có chuyển biến, góp phần cùng HĐND, UBND thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Đặc biệt, khi thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, một số nhiệm vụ, hoạt động của HĐND được đổi mới, như tổ chức phiên họp thường kỳ hàng tháng, thực hiện chức năng giải trình và chất vấn tại phiên họp thường kỳ. Để chuẩn bị nội dung cho các hoạt động này, các Ban HĐND đóng vai trò chủ chốt của các phiên giải trình, chất vấn. Trong đó, lãnh đạo Ban HĐND hoạt động chuyên trách là “linh hồn”, vừa tham mưu trực tiếp, vừa là người giúp Thường trực HĐND chuẩn bị nội dung, cũng là nhân vật không thể thiếu trong việc đưa ra vấn đề, chất vấn và tái chất vấn. Bởi, chỉ những đại biểu này có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, liên hệ với cử tri để xác minh các vấn đề mới đủ bản lĩnh để đăng đàn chất vấn, phản biện các nội dung mà UBND và các ngành đưa ra trên các lĩnh vực.

Hình thức và không tương xứng vị thế

Góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, có ý kiến cho rằng: Việc quy định số lượng Phó Trưởng ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách đã làm tăng biên chế của chính quyền địa phương. Đây là cách hiểu về mặt lý thuyết là đúng nhưng trên khía cạnh thực tiễn là phiến diện, cần xem xét lại, bởi thực tiễn ở nhiều địa phương khi vận dụng quy định này không làm tăng tổng số định biên của cơ quan.

Đơn cử như ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, trước khi áp dụng Luật mới, bộ máy chuyên trách và giúp việc cho HĐND có 4 người, gồm: 1 Phó Chủ tịch HĐND, 1 Ủy viên Thường trực HĐND và 1 Phó Văn phòng phụ trách HĐND, 1 chuyên viên giúp việc cho HĐND. Nay áp dụng Luật Tổ chức chính quyền địa phương, số đại biểu chuyên trách và giúp việc cho HĐND cũng chỉ 4 người: 2 Phó Chủ tịch HĐND và 2 Phó Trưởng ban HĐND. Văn phòng HĐND và UBND chỉ làm nhiệm vụ kiêm thêm là phục vụ hoạt động HĐND (hỗ trợ thêm cho 2 Phó Trưởng ban chuyên trách về hội trường, maket, lái xe và chủ yếu phục vụ mỗi kỳ họp HĐND, còn lại các nhiệm vụ do 2 Phó Trưởng ban chuyên trách thực hiện theo 2 mảng kinh tế - xã hội và pháp chế). Tính tổng định biên mà UBND tỉnh phê duyệt cho chính quyền thị xã Hồng Lĩnh không hề tăng lên.

Xét về tính chất, nhiệm vụ, quyền hạn mà Luật quy định cho HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, thiết nghĩ không nên giảm số lượng Phó Trưởng ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách. Vì nếu làm như vậy, chắc chắn hoạt động của cơ quan dân cử sẽ quay lại giai đoạn trước đây, hình thức và không tương xứng với vị trí mà Hiến pháp, pháp luật giao cho là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.


Tác giả: Lê Hồng Hạnh - Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh (theo báo đại biểu nhân dân)

Nguồn tin: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=419785

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website