Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Thông tin Kinh tế – Xã hội

A+ | A | A-

Nên có cơ chế chia sẻ rủi ro trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Người đăng: banbientap Ngày đăng: 10:34 | 13/10 Lượt xem: 22682

Phiên họp lấy ý kiến dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) do Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức chiều 12.10.2021 đã nhận được nhiều góp ý của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trên địa bàn tỉnh. Nhiều ý kiến đề xuất nên chăng có quy định về cơ chế, chính sách chia sẻ rủi ro trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nhất là lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp.

Tập trung các nội dung chính

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) về cơ bản giữ nguyên bố cục của Luật hiện hành, gồm 8 chương, 156 điều. So với Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, dự thảo sửa đổi 81 Điều, bổ sung 58 Điều, bãi bỏ 33 Điều và giữ nguyên 17 Điều. Tại phiên họp, các đại biểu đều thống nhất cao 07 nhóm chính sách trong sửa đổi dự thảo Luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; phát triển thị trường bảo hiểm.

Tuy nhiên, đi vào nội dung cụ thể đại biểu Hội Luật gia tỉnh cho rằng 8 chương của dự thảo Luật tập trung phần lớn các quy định về tổ chức, hoạt động,.. và ít các quy định điều chỉnh về “kinh doanh bảo hiểm” như tên của dự thảo Luật. Một số nội dung của các khoản trong cùng 1 Điều chưa có sự thống nhất; đơn cử như quy định về hình thức hợp đồng bảo hiểm: tại Điều 15, khoản 1 quy định “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản, đồng thời khoản 2 quy định“Hợp đồng bảo hiểm có thể được thể hiện bằng… các hình thức giao dịch dân sự khác phù hợp với quy định của pháp luật”. Trong khi đó, khoản 1 Điều 119 quy định“Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”. Như vậy, quy định tại khoản 1 Điều 15 dự thảo Luật và khoản 2 Điều 119 Bộ luật Dân sự là chưa thống nhất. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ các quy định tại Chương II về Hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính dự thảo Luật, thể hiện rõ tính đặc thù của hoạt động bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích các bên; đồng thời cũng phù hợp với nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Cạnh đó, có đại biểu băn khoăn, trong tổng số 156  Điều thì có đến 58 Điều được bổ sung so với Luật hiện hành; trong đó có những Điều quy định cụ thể về  điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động, tổ chức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, điều kiện đại lý bảo hiểm; nội dung đào tạo chứng chỉ bảo hiểm,... Mặc dù đây là các quy định đã được quy định tại các văn bản dưới luật và có tính ổn định, nay được bổ sung nội luật hóa nhưng để đảm bảo tính ổn định của dự thảo Luật đại biểu kiến nghị nên chăng giao Chính phủ ban hành văn bản dưới Luật để điều chỉnh; tránh tình trạng phải điều chỉnh, bổ sung sau này vì thực tế càng chi tiết, cụ thể thì khả năng phải điều chỉnh, bổ sung càng cao.

Cụ thể hơn về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đặt vấn đề khi góp ý dự thảo Luật là nội dung cơ chế, chính sách chia sẻ rủi ro trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nhất là lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp.

Đại diện các công ty bảo hiểm tham dự phiên họp cho biết mặc dù hiện nay bảo hiểm nông nghiệp được Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo; từ năm 2018 Chính phủ đã có Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp; tuy nhiên thực tế loại hình bảo hiểm này chưa phát huy hiệu quả do nhiều nguyên ngân, cả khách quan lẫn chủ quan. Rất ít doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp do đây là loại hình bảo hiểm có tính thời vụ, rủi ro cao khó kiểm soát việc tuân thủ quy trình sản xuất của nông dân, thủ tục để tham gia chính sách hỗ trợ còn phức tạp,.. Đối với nông dân, rào cản lớn nhất là phí bảo hiểm cao trong khi khả năng tài chính đáp ứng nhu cầu bảo hiểm còn rất hạn chế; mặt khác với đặc thù sản xuất nông nghiệp còn khá phân tán và manh mún, chịu nhiều tác động bất lợi của thời tiết, thiên tai nên việc tham gia, mở rộng thị trường bảo hiểm nông nghiệp rất khó. Thực tế này đòi hỏi cần có những cơ chế, chính sách để chia sẻ rủi ro trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nhất là lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp ...

Do vậy ngoài nội dung “Chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm” quy định ở Điều 5 dự thảo Luật, nhiều đại biểu đề nghị nhà nước có chính sách cụ thể hơn để khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiên cứu phát triển sản phẩm, hiện đại hóa, khuyến khích các tổ chức triển khai sản phẩm bảo hiểm an sinh xã hội, phát triển nông nghiệp.

Liên quan đến quy định “Quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm quy định” tại Điều 151 có ý kiến đề nghị cần xem xét quy định về việc Bộ Tài chính tổ chức thi, cấp, công nhận chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm để phù hợp với yêu cầu xã hội hóa ngày càng cao hiện nay, đặc biệt đối với lĩnh vực đào tạo; đồng thời kiến nghị các quy định trong dự thảo Luật cần điều chỉnh theo hướng cơ quan quản lý nhà nước nên tập trung vào việc ban hành chính sách và thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động này. Việc bồi dưỡng nâng cao trình độ, tổ chức thi và cấp chứng chỉ nghề nghiệp, đăng ký và quản lý hành nghề, kiểm soát chất lượng dịch vụ, kiểm soát đạo đức nghề nghiệp... nên giao cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp như đối với các hoạt động khác.

Tác giả: Trí Nhân

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website