Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Thông tin tuyên truyền trung ương, địa phương

A+ | A | A-

Quán triệt tinh thần chủ động trong triển khai thi hành Luật Đất đai 2024

Người đăng: Administrator Account Lượt xem: 24

Luật Đất đai 2024 là đạo luật thứ 9 trên lĩnh vực đất đai được ban hành, sửa đổi, bổ sung từ năm 1987 đến nay và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01.8.2024 theo quyết nghị mới nhất của Quốc hội. Hiện công tác tổ chức triển khai thi hành Luật đang được Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương gấp rút triển khai. 

Mới đây nhất, sáng 05.7.2024 UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến những nội dung, điểm mới quan trọng của Luật Đất đai 2024. Phát biểu tại Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh– Lê Văn Dũng đã giao trách nhiệm các Sở phối hợp tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện kịp thời Luật Đất đai năm 2024.


Nhiều thay đổi quan trọng

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Lê Minh Ngân đã phân tích, làm rõ những điểm mới quan trọng của  Luật Đất đai năm 2024. Trong đó, nhấn mạnh những thay đổi liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đổi mới căn bản trong quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

z5604312408154_f6c6f89bf44566fd3c529890ec035a7c.jpg
Đại biểu tham dự hội nghị tại hội trường UBND tỉnh. Ảnh: H.Quang

Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, Luật giao trách nhiệm thẩm quyền nhiều hơn cho cấp tỉnh; nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh được phân kỳ và lập lồng ghép và phê duyệt cùng với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Đồng thời, để đảm bảo chủ động, linh hoạt, Luật còn quy định rõ việc quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phân cấp cho Thủ tướng Chính phủ (thay vì trước đây là Chính phủ). Như vậy, khi triển khai các dự án, việc chờ Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 5 như Luật Đất đai năm 2013 về cơ bản đã được giải quyết, đồng thời sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, triển khai công tác thu hồi đất ở địa phương.

Bên cạnh đó, nội dung của kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện cũng được Luật quy định theo hướng linh hoạt hơn, đơn giản hơn. Ngoài việc phải đảm bảo quỹ đất cần trong năm kế hoạch, không yêu cầu phải đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất gắn liền với thửa đất ở của hộ gia đình, cá nhân (Điểm d khoản 3 Điều 67 và khoản 5 Điều 116 Luật). Ngoài ra còn quy định trường hợp dự án chưa có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện thuộc một trong các trường hợp thì được thực hiện mà không phải bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện (Khoản 4 Điều 67 Luật). Đây cũng là một điểm mới, đẩy mạnh cải cách hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân khi chuyển mục đích sử dụng đất; đồng thời linh hoạt trong tổ chức thực hiện các dự án về công tác thu hồi đất.

Liên quan thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79), Luật đã quy định rõ nội hàm dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đồng thời quy định cụ thể 31 trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, để công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát; trong đó bổ sung một số trường hợp thu hồi đất, như: Quy định cụ thể các dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa không phân biệt nguồn vốn đầu tư được thu hồi đất thuộc các lĩnh vực (được Nhà nước thành lập hoặc cho phép hoạt động): văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ… để khuyến khích khối tư nhân tham gia đầu tư phục vụ lợi ích chung của cộng đồng (trước đây vốn ngoài ngân sách phải thỏa thuận nhận chuyển nhượng). Quy định như trên đã khắc phục được bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án này. Việc Nhà nước đứng ra thu hồi đất sẽ đẩy nhanh hơn quy trình này; có quỹ đất sạch để triển khai dự án, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các lĩnh vực an sinh, an dân ở địa phương.

Về thẩm quyền thu hồi (Điều 83), Luật phân cấp toàn bộ thẩm quyền thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng cho cấp huyện; đồng thời bổ sung quy định trường hợp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là tài sản công thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật này thì không phải thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Đây cũng là điểm mới, cấp huyện sẽ chủ động trong công tác thu hồi đất của các dự án theo Điều 78, 79 của Luật, không phân biệt đối tượng thu hồi đất là tổ chức hay cá nhân, rút ngắn được thời gian trình cấp tỉnh thu hồi. Qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, vì nếu phải chờ sắp xếp lại tài sản công sẽ mất rất nhiều thời gian, nhất là các tài sản nhà đất do các Bộ, Ban, ngành trung ương quản lý.

Giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quy định chi tiết 20 nội dung

Rà soát quy định của Luật Đất đai năm 2024 cho thấy có khoảng 104 nội dung Luật giao Chính phủ, Bộ, HĐND, UBND cấp tỉnh quy định chi tiết nội dung – một khối lượng nội dung rất lớn, rất khó, quỹ thời gian không nhiều do vậy phải tập trung quyết liệt.

Đối với cấp tỉnh, Luật Đất đai giao chính quyền địa phương quy định chi tiết 20 nội dung. Trong đó, có 03 nội dung giao HĐND cấp tỉnh quy định chi tiết gồm (1) chính sách của địa phương về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; (2) quy định các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; (3) quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 và quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 của các năm tiếp theo.

Đối với UBND cấp tỉnh, Luật giao quy định chi tiết 17 nội dung, cụ thể (1) quyết định diện tích giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số theo quy định tại khoản 3 Điều 16; (2) ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại thực tế về nhà, nhà ở, công trình xây dựng quy định tại Điều 102 để làm căn cứ tính bồi thường khi thu hồi đất; (3) quy định mức bồi thường thiệt hại đốivới vật nuôi là thủy sản hoặc vật nuôi khác mà không thể di chuyển; (4) ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi; (5) quy định mức bồi thường chi phí để tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt, bồi thường đối với thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt quy định tại khoản 1 Điều 104; (6) căn cứ cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định và điều kiện thực tế tại địa phương quy định mức hỗ trợ cụ thể phù hợp với từng đối tượng được hỗ trợ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 109; (7) quy định mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất bằng tiền; (8) quy định thời gian được bố trí vào nhà ở tạm và mức hỗ trợ tiền thuê nhà ở trong thời gian chờ bố trí tái định cư và cơ chế thưởng đối với người có đất thu hồi bàn giao mặt bằng trước thời hạn; (9) quy định chi tiết về suất tái định cư tối thiểu; (10) quy định giấy tờ khác về quyền sử dụng đất có trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 để xét cấp Giấy chứng nhân; (11) quy định cụ thể hạn mức công nhận đất ở quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 141 đối với trường hợp sử dụng đất trước ngày 18 tháng 12 năm 1980 và từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 15 tháng 10 năm 1993; (12) quy định hạn mức giao đất chưa sử dụng cho cá nhân để đưa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; (13) quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân; (14) quy định hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại nông thôn; (15) quy định hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại đô thị; (16) quy định hạn mức và quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trên địa bàn tỉnh; (17) quy định cụ thể điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất.

Nhấn mạnh các điểm mới của Luật và đề cập 20 nội dung Luật giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quy định chi tiết có ý nghĩa quan trọng trong phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai tại địa phương, tại Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đã đề nghị các sở, ngành và địa phương tập trung 03 việc lớn. Đó là tuyên truyền sâu rộng trong toàn dân về những nội dung chính, thay đổi quan trọng của Luật Đất đai 2024. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, UBND cấp huyện chọn lọc nội dung theo chuyên đề để phổ biến đầy đủ đến các cơ quan thực thi Luật. Các sở, ngành liên quan tích cực phối hợp UBND tỉnh ban hành các nội dung theo thẩm quyền và trình HĐND tỉnh 03 nội dung quy định chi tiết trong thời gian đến.

Tác giả: Thành Nhân

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website