Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

HĐND / Chương trình hoạt động HĐND

A+ | A | A-

Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 16:14 | 30/06 Lượt xem: 49

Để chuẩn bị các nội dung liên quan trình kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào chiều ngày 27.6.2024. Nội dung buổi làm việc tập trung đánh giá công tác chỉ đạo, hướng dẫn và kết quả triển khai thực hiện một số chương trình, chính sách dân tộc do Sở tham mưu triển khai trên địa bàn các huyện miền núi; đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 22/7/2021 của HĐND tỉnh về quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ, sắp xếp ổn định dân cư miền núi Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 (Nghị quyết 23).

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn của 9 huyện miền núi (93 xã) theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022-2025 là 14,39 tiêu chí/xã; có 33/93 xã đạt chuẩn NTM đạt tỷ lệ 35,48%; chưa có xã nào được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao, kiểu mẫu. Có 02/9 huyện miền núi đăng ký phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025 là Tiên Phước và Nông Sơn. Theo kết quả tự đánh giá của địa phương thì huyện Tiên Phước xấp xỉ đạt 7/9 tiêu chí; huyện Nông Sơn chỉ đạt 02/9 tiêu chí. Riêng kết quả xây dựng NTM kiểu mẫu, có 44/295 thôn, chiếm tỷ lệ 14,92% (huyện Nam Giang chưa có xã đạt chuẩn NTM). 

Tổng kế hoạch vốn trong năm 2024 (kể cả vốn năm 2022, 2023 kéo dài) là 306,553 tỷ đồng; đến nay đã giải ngân là 44,232/306,553 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 14%, trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương, tỉnh năm 2022, 2023 kéo dài giải ngân 19,165/86,622 tỷ đồng đạt 22%; năm 2024 giải ngân 25,067/219,931 tỷ đồng, đạt 11%.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Nhận định về các tồn tại, hạn chế, Sở cho rằng, các chỉ tiêu NTM trên địa bàn các huyện miền núi đạt thấp; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, do xuất phát điểm trong xây dựng NTM còn thấp, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Trong khi đó, việc lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia như Chương trình MTQG giảm nghèo, Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi... còn nhiều bất cập, chưa thật sự gắn với các tiêu chí NTM để đảm bảo đạt chuẩn theo lộ trình đề ra. Mặc dù các xã đã đạt chuẩn NTM từ năm 2021 trở về trước (16 xã), tuy nhiên chưa đảm bảo duy trì chuẩn theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2022- 2025. Bên cạnh đó, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; cán bộ chuyên trách NTM ở cấp huyện, xã không những thiếu mà còn thường xuyên biến động, đặc biệt, khối lượng công việc nhiều đối với cán bộ xã  ở địa phương có 03 Chương trình MTQG.

Đối với nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 22/7/2021: Theo báo cáo, đến ngày 15/6/2024 tổng số hộ thực hiện sắp xếp di dời chỗ ở theo Nghị quyết 23 là 2.168 hộ, trong đó sắp xếp dân cư  vùng thiên 1.917 hộ, rừng đặc dụng 06 hộ, vùng đặc biệt khó khăn 245 hộ. Di dời chỉnh trang tại chỗ 117 hộ. Tỷ lệ số hộ thực hiện (số hộ sắp xếp di dời chỗ và số hộ di dời chỉnh trang tại chỗ) so với chỉ tiêu Nghị quyết số 23 đạt tỷ lệ 29,22%.

Lý do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 23 nhằm tiếp tục đảm bảo triển khai công tác sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh được đồng bộ, hiệu quả, tranh thủ tối đa nguồn lực từ các Chương trình, Đề án, Dự án của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương; mặt khác, theo Thông tư số 24/2023/TT-BNNPTNT ngày 21/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 23 theo hướng: (1) mở rộng phạm vi điều chỉnh từ khu vực miền núi ra phạm vi toàn tỉnh; (2) điều chỉnh giảm chỉ tiêu số hộ khu vực miền núi, bổ sung chỉ tiêu hộ vùng thiên tai khu vực đồng bằng; (3) bổ sung nội dung, phương thức và định mức hỗ trợ các hộ vùng thiên tai khu vực đồng bằng; (4) sửa đổi, bổ sung về kinh phí và nguồn vốn thực hiện.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu, cân nhắc trước khi sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 23 do thời gian thực hiện Nghị quyết 23 không còn nhiều, cần tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 đến hết năm 2025; đồng thời, nghiên cứu các quy định tại Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 24/2023/TT-BNNPTNT ngày 21/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện giai đoạn 2026 - 2030 phù hợp tình hình thực tiễn.

Có ý kiến cho rằng, cần ban hành một cơ chế, chính sách mới về hỗ trợ, sắp xếp dân cư đối với khu vực đồng bằng nhằm ổn định cuộc sống cho người dân vùng thiên tai, có ý kiến boăn khoăn về việc giảm chỉ tiêu số hộ khu vực miền núi so với Nghị quyết 23 và việc bố trí đất ở theo quy hoạch khu dân cư mới, khu xen cư đảm bảo diện tích và phù hợp từng vùng miền. Đề nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành rà soát đối tượng, mục tiêu, phạm vi, số lượng, mức hỗ trợ, khả năng cân đối nguồn lực trước khi tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách theo Quyết định số 590/QĐ-TTg và Thông tư số 24/2023/TT-BNNPTNT thời gian đến.

Ngoài các nội dung trên, cuộc họp thảo luận kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua.

Tác giả: M.Ánh

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website