Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Cử tri – đại biểu / Diễn đàn của đại biểu

A+ | A | A-

Hội thảo về các Dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 16:36 | 09/05 Lượt xem: 1925

Hôm qua 08.5.2024, Công an tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo góp ý 06 Dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 7 sắp tới. Tại Hội thảo các đại biểu đã có nhiều ý kiến tham luận, góp ý và Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Nhiều nội dung được tiếp thu 

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Dự thảo Luật TTATGT đường bộ đã được chỉnh lý 09 chương, 88 điều, số chương giữ nguyên và tăng 07 điều do bổ sung 04 điều mới (Điều 36 - Biển số xe, Điều 37 - Đấu giá biển số, Điều 57 - Điểm của giấy phép lái xe, Điều 84 - Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn GTĐB); đồng thời điều chỉnh kỹ thuật lập pháp ở một số điều. Theo Ban soạn thảo, Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo.

Về mặt nội dung, so với Luật hiện hành thì Dự thảo Luật bổ sung Điều 7 quy định về “Giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ” với 04 khoản và theo khoản 2 Điều 7 thì giáo dục kiến thức pháp luật về TTATGT sẽ đưa vào chương trình chính khóa.

Lực lượng CSGT Công an Quảng Nam tuần tra kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 1. Ảnh: P.G
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Quảng Nam tuần tra kiểm soát trên tuyến quốc lộ 1. Ảnh: P.G

Quy định về đấu giá biển số xe tại Điều 37 được đề xuất luật hóa dựa trên những kết quả cụ thể đạt được sau thời gian thí điểm theo Nghị quyết 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội. Đồng thời, việc đấu giá biển số xe cũng được đề xuất áp dụng rộng rãi đối với các loại biển số xe ô tô khác và biển số xe mô tô, xe gắn máy (thay vì chỉ áp dụng xe ô tô biển trắng nền đen như hiện nay). Ban soạn thảo cho rằng việc luật hoá quy định này là rất cần thiết, phù hợp với các quy định hiện hành về việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe, đáp ứng mục tiêu công dân số, Chính phủ số theo Đề án 06 của Chính phủ và khai thác, quản lý hiệu quả tài sản công.

Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ (Điều 84) cũng là điều mới của Dự thảo Luật. Quỹ này được xác định là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, chỉ thành lập ở Trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do TNGT; được ưu tiên chi hỗ trợ nạn nhân, hỗ trợ các lực lượng tham gia bảo đảm TTATGT, hỗ trợ xây dựng công trình, thiết bị phòng ngừa, hạn chế tổn thất, thiệt hại do TNGT đường bộ gây ra và chi khắc phục hậu quả TNGT. Quy định về nguyên tắc hoạt động của quỹ cũng được xác định rõ là “không được chi trùng với ngân sách nhà nước”.

Duy trì quy định nồng độ cồn bằng 0

Điều 9 Dự thảo Luật đề cập 27 hành vi bị nghiêm cấm và khoản 1 Điều này nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Quy định nồng độ cồn bằng 0 là nội dung hiện có 02 luồng quan điểm trong quá trình soạn thảo, thẩm tra, góp ý. Theo Ban soạn thảo đề xuất này dựa trên kết quả nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tổ chức điều tra xã hội học, lấy ý kiến chuyên gia. 

Những con số cụ thể, đáng báo động về tác hại của rượu, bia cho thấy số người chết và bị thương do TNGT đường bộ liên quan rượu bia chiếm 20% tổng số;  trong số đó 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia gây ra. Thống kê, điều tra xã hội học đối với 43.765 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù thì có chiếm 51,28% phạm nhân trước khi phạm tội đã sử dụng rượu, bia. Số liệu thống kê cũng cho thấy số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não vì TNGT đường bộ do có liên quan đến rượu, bia cao hơn tỷ lệ số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não nói chung. Mặt khác, kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe thời gian qua đang phát huy rất hiệu quả, kéo giảm số vụ tai nạn liên quan đến sử dụng rượu bia. 

Tham khảo kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới có thể chia làm 02 nhóm: Nhóm nghiêm cấm tuyệt đối vi phạm nồng độ cồn và Nhóm quy định về ngưỡng nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở được phép đối với người lái xe, theo đối tượng: Mức chuẩn, Người lái xe thương mại (taxi, xe buýt, lái xe thuê) và người mới lái xe. Tuy nhiên, theo Ban soạn thảo, trong điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam hiện nay thực sự rất cần nồng độ cồn bằng không khi điều khiển phương tiện. Hơn nữa kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn ngoài ý nghĩa đối với công tác bảo đảm TTATGT còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Lý giải thêm về quy định nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Ban soạn thảo đề cập thực trạng ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay chưa tốt, xem thường pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật về giao thông, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. “Khi một ý thức tồi có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người, do đó, xã hội rất cần sự nghiêm khắc” Ban soạn thảo nhấn mạnh.

Quy định cấm người tham gia giao thông điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia (trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn) đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Với các lý do nêu trên và tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì việc cấm người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn tham gia giao thông là cần thiết để có chế tài xử lý nghiêm khắc, dần hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu bia không lái xe”. 

Tác giả: THÀNH NHÂN (tổng hợp)

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website