Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Cử tri – đại biểu / Diễn đàn của đại biểu

A+ | A | A-

Bài 2: Xác định nguyên nhân

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 8:10 | 20/05 Lượt xem: 1570

Các hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Ngoài các nguyên nhân khách quan khi các quy định pháp luật liên quan chưa đầy đủ, đồng bộ thì còn các nguyên nhân từ yếu tố chủ quan như công tác phối hợp, thiếu đồng bộ về hạ tầng công nghệ thông tin và thiếu ổn định về nhân lực,…

Phối hợp chưa tốt


Xem xét tiến độ triển khai một số dự án cụ thể cho thấy công tác phối hợp giữa các cơ quan trong thẩm định còn hạn chế, một số dự án chưa có sự đồng thuận, thống nhất về quan điểm nên văn bản trả lời còn chung chung, cơ quan chủ đầu tư phải có văn bản trao đổi nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý hồ sơ, triển khai dự án. Một số dự án quá trình hoàn thiện hồ sơ kéo dài cả năm, cá biệt có dự án hơn 03 năm (như dự án số hóa sổ hộ tịch). Việc chậm trễ trong thẩm định, phê duyệt dự án CNTT đã khiến tiến độ, hiệu quả sử dụng phần kinh phí bố trí cho nhiệm vụ này chưa hiệu quả, khoản dự nguồn giai đoạn 2021 - 2023 đến thời điểm tháng 4.2024 chưa được sử dụng hết.

cntt-2.jpg
Lãnh đạo tỉnh tham quan Trung tâm Dữ liệu tỉnh được đầu tư hoàn thành trong năm 2023. Ảnh: ĐÔNG ANH

Phối hợp chưa tốt trong các khâu thực hiện dự án phần lớn xuất phát từ đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư. Khảo sát cho thấy, có tình trạng đề xuất nhiều danh mục ở bước lập kế hoạch, tuy nhiên sau khi được thống nhất việc triển khai thực hiện các bước tiếp theo chưa được quan tâm đúng mức. Một số cơ quan, đơn vị còn khoán trắng cho đơn vị tư vấn, nên hồ sơ chưa đảm bảo chất lượng, chưa đầy đủ các nội dung theo quy định như thiếu phương án kết nối, chia sẻ dữ liệu; thiếu giải pháp đảm bảo an toàn thông tin; chưa tính toán giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu từ CSDL chuyên ngành với các hệ thống phục vụ chỉ đạo điều hành của tỉnh,... 

Ở một số dự án, chủ đầu tư chưa xác định yêu cầu chức năng, tính năng của phần mềm dự kiến xây dựng nhằm đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế và tuân thủ hướng dẫn của Bộ ngành chủ quản, dẫn đến kết quả sản phẩm chưa được thực sự tiện ích, phù hợp. Có đơn vị chủ trì xây dựng các CSDL chuyên ngành cấp tỉnh chưa quan tâm triển khai hệ thống đến cấp huyện, cấp xã nên các địa phương phải đầu tư riêng. Bên cạnh đó, quy định liên quan về trách nhiệm chia sẻ, kết nối dữ liệu của chủ đầu tư các dự án xây dựng CSDL vẫn chưa cụ thể, rõ ràng.

Hình thức thuê dịch vụ chưa được nhiều đơn vị lựa chọn trong điều kiện nhân lực đáp ứng yêu cầu, chuyên môn CNTT của đơn vị hạn chế đã ảnh hưởng lớn đến khả năng quản lý, sử dụng, khai thác sau đầu tư.

Hạ tầng, nhân lực chưa đảm bảo

Báo cáo với Đoàn khảo sát, chủ đầu tư các dự án đều cho rằng CNTT là lĩnh vực mới, tốc độ phát triển nhanh, việc đầu tư và triển khai ứng dụng CNTT là nhiệm vụ phức tạp trên quy mô rộng đòi hỏi phải có quá trình thực hiện lâu dài, am hiểu chuyên môn sâu. Tuy nhiên, với thực trạng nhân lực CNTT hiện nay thì đây là một trở ngại lớn. Phần lớn các sở, ngành cán bộ chuyên trách CNTT phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác, chưa có nhiều kinh nghiệm nên chưa mạnh dạn tham mưu triển khai các dự án liên quan đến CNTT. Đối với Sở Thông tin và Truyền thông, công chức tham mưu công tác chuyển đổi số khối lượng công việc nhiều, trong điều kiện yêu cầu nghiệp vụ đối với lĩnh vực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số ngày càng cao, các dự án triển khai có tính chất kỹ thuật, công nghệ phức tạp nên chưa đảm bảo năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ được giao.

Còn ở khía cạnh là đối tượng sử dụng thì một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã quen với cách làm việc giấy tờ truyền thống, gặp khó khăn trong sử dụng CNTT khai thác, sử dụng dữ liệu điện tử. Đây cũng là trở lực trong thực hiện lộ trình ứng dụng CNTT, chuyển đổi số.

Một hạn chế khác cũng được nhìn nhận là hạ tầng phục vụ chuyển đổi số. Hiện nay phần lớn hệ thống máy móc thiết bị được trang bị để phục vụ công tác số hóa hồ sơ chưa đáp ứng nhu cầu, tốc độ phát triển của công nghệ; hệ thống máy chủ còn thiếu và không đồng bộ, cấu hình máy chủ thấp nên các ứng dụng phục vụ cho các cơ quan, đơn vị còn chậm, mỗi khi khắc phục sự cố phải dừng toàn bộ hệ thống; đường truyền yếu, chậm khi số lượng máy truy cập nhiều. 

Bất cập từ quy định pháp luật

Các hạn chế trong công tác phối hợp, thẩm định, cho ý kiến của các sở, ngành chuyên môn như đã đề cập phần lớn xuất phát từ các hạn chế, bất cập trong áp dụng, thực hiện các quy định pháp luật. Công tác quản lý đầu tư ứng dụng CNTT theo Nghị định số 73/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã phát sinh một số bất cập, chưa phù hợp với đặc thù triển khai ứng dụng CNTT trên thực tế, thiếu các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật, quản lý chất lượng công trình…; chưa có quy định hướng dẫn các bước chuẩn bị đầu tư, xác định giá trị phần mềm…. Cạnh đó, đến nay vẫn chưa có quy định, hướng dẫn của Trung ương đối với các dự án ứng dụng CNTT có tính chất phức tạp về kỹ thuật công nghệ nên việc thẩm định, đánh giá sự phù hợp về kỹ thuật công nghệ của cơ quan chủ quản gặp khó khăn, chậm trễ trong công tác thẩm định, triển khai.  

Việc thiếu quy định, cơ sở pháp lý, hướng dẫn rõ ràng về chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng thông tin, dữ liệu cũng là nguyên nhân khó liên thông, kết nối các phần mềm, tích hợp dữ liệu trao đổi thông tin giữa các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Bài 1: Đánh giá thực trạng

Bài 3: Kiến nghị giải pháp

Tác giả: Thanh Thanh

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website