Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Cử tri – đại biểu / Diễn đàn của đại biểu

A+ | A | A-

MỘT CHÍNH SÁCH MANG TÍNH NHÂN VĂN SÂU SẮC - Bài 1

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 14:54 | 21/06 Lượt xem: 194

MỘT CHÍNH SÁCH MANG TÍNH NHÂN VĂN SÂU SẮC

Bài 1: Hướng đến các đối tượng yếu thế và khó khăn nhất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa X đã ban hành Nghị quyết số 43/2021/NQ-HĐND về quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đây là một chính sách mang tính nhân văn sâu sắc,  hướng đến các đối tượng yếu thế và khó khăn nhất.

Hướng đến các đối tượng tượng yếu thế và khó khăn nhất

Trải qua gần 40 thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập, đất nước ta đã có bước phát  triển toàn diện, vượt bậc; đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn còn gặp khó khăn, mức sống thấp so với mặt bằng chung; do vậy, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đảm bảo an sinh xã hội nói riêng. Gần đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP (Nghị định 20) quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Đây là một chính sách hướng đến nhóm đối tượng yếu thế và khó khăn nhất, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta từ trước đến nay là không ngừng chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. 

Đối với tỉnh Quảng Nam, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cũng thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống cho nhân dân. Bằng nguồn lực từ ngân sách Trung ương, địa phương và huy động sự hỗ trợ, chung tay của cộng đồng, Quảng Nam đã thực hiện tốt các chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội (trợ giúp thường xuyên tại cộng đồng; trợ giúp khẩn cấp; chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội,…), qua đó giúp họ cải thiện cuộc sống, hoà nhập cộng đồng, góp phần đảm bảo an sinh, công bằng và tiến bộ xã hội. Chỉ tính riêng năm 2020, toàn tỉnh thực hiện trợ cấp xã hội cho 108.763 đối tượng, kinh phí hơn 567 tỉ đồng. 

Kể từ ngày 01.7.2021, chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội được chuyển sang thực hiện theo Nghị định 20. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp nâng lên 360.000 đồng/tháng (thay cho mức cũ là 270.000 đồng/tháng); đồng thời, mở rộng thêm các nhóm đối tượng như đối tượng hộ cận nghèo, trẻ em hoặc người cao tuổi đang sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn,…vì vậy số lượng đối tượng bảo trợ xã hội tăng lên 120.914 đối tượng (tăng 10.716 đối tượng), tổng nhu cầu kinh phí thực hiện 01 năm là 776,952 tỷ đồng (tăng khoảng 209,641 tỷ đồng so với năm 2020). 

Sự ra đời của Nghị định 20 là một bước tiến lớn trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 20 thì vẫn còn một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác tại cộng đồng chưa được hưởng chính sách trợ giúp xã hội như: người khuyết tật là thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; trẻ em dưới 03 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; trẻ em dưới 16 tuổi mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại (cha hoặc mẹ) mất thông tin liên lạc; người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo; người bị mắc một trong các bệnh hiểm nghèo: ung thư, suy thận phải chạy thận nhân tạo, xơ gan giai đoạn mất bù, suy tim độ 4 hoặc bệnh hiểm nghèo khác…Mà đối tượng bảo trợ xã hội là những người có hoàn cảnh rất khó khăn, đặc thù như: khuyết tật, mồ côi, già cả cô đơn,…phần lớn không có thu nhập, thuộc diện hộ gia đình nghèo hoặc cận nghèo, sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn nên sự trợ giúp của Nhà nước, của cộng đồng đối với họ lại càng có ý nghĩa, quý giá.

Bên cạnh đó, chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội chưa phù hợp, có nội dung chưa được quy định cụ thể như: mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng quy định khác nhau cho các nhóm đối tượng; một số nội dung chi chưa được quy định cụ thể bằng tiền, chỉ quy định bằng hiện vật theo định mức kinh tế kỹ thuật; có nội dung được quy định quá lâu, mức chi hỗ trợ thấp và chưa được điều chỉnh để phù hợp với thực tế giá cả thị trường và nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hiện nay…dẫn đến khó khăn trong công tác ttriển khai thực hiện.

Từ thực tế đó, HĐND tỉnh Quảng Nam đã xem xét, ban hành Nghị quyết số 43/2021/NQ-HĐND về quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết 43). Trong đó, đáng lưu ý là đối tượng được thụ hưởng chính sách trợ giúp được mở rộng hơn rất nhiều so với quy định tại Nghị định 20 của Chính phủ. Đồng thời, quy định một số chính sách hỗ trợ thêm cho các đối tượng đang được nuôi dướng tại các cơ sở bảo trợ xã hội  như: trẻ em dưới 04 tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng không có khả năng tự phục vụ, nằm một chỗ được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/đối tượng/tháng để bổ sung dinh dưỡng; trường hợp đối tượng phải điều trị tại bệnh viện thì được hỗ trợ thêm 30.000 đồng/đối tượng/ngày; hỗ trợ một lần chi phí mua sắm tư trang, vật dụng thiết yếu ban đầu cho đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khi được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cơ sở trợ giúp xã hội;... Có thể nói, đây là một chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh nhà đối với nhóm bảo trợ xã hội; dành sự hỗ trợ hướng đến các đối tượng tượng yếu thế và khó khăn nhất.

Ban VH-XH HĐND tỉnh làm việc với Làng Hòa Bình Quảng Nam về thực hiện Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh

Sự lan tỏa của chính sách và sự đồng thuận cao của người dân

Ngay sau khi Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh được ban hành, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể các nội dung của nghị quyết như: phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn quy trình giải quyết chính sách trợ giúp xã hội cho đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu giao dự toán, bổ sung dự toán và hướng dẫn, quyết toán nguồn kinh phí thực hiện…Bên cạnh đó Sở LĐ-TB và XH đã tổ chức 16 lớp tập huấn hướng dẫn, tuyên truyền về Nghị quyết 43 và thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các địa phương tiêu chí xác định đối tượng thụ hưởng, tuân thủ đúng quy định hồ sơ, thủ tục thực hiện, điều chỉnh, thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, trong đó lưu ý công tác thẩm định, thời hạn giải quyết hồ sơ ở từng cấp, từng cơ quan. Ngoài ra, Sở còn quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, xét duyệt điện tử, chi trả chính sách và quản lý đối tượng. Hiện nay, việc tiếp nhận hồ sơ đối tượng bảo trợ xã hội để giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng được các địa phương tổ chức thực hiện trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Quảng Nam;  việc chi trả trợ cấp cho đối tượng đang thực hiện theo hai hình thức: chi trả trực tiếp bằng tiền mặt thông qua điểm bưu điện (cấp xã) và chi trả qua tài khoản ngân hàng.

Năm 2022, đã thực hiện chính sách tại cộng đồng cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 43 với tổng kinh phí thực hiện là hơn 8 tỉ đồng; gồm: trợ cấp xã hội hằng tháng cho 3.550 đối tượng (gần 7,5 tỉ đồng), đóng BHYT cho 1.368 đối tượng (hơn 244 triệu đồng), hỗ trợ mai táng phí cho 41 đối tượng (hơn 295 triệu đồng). Năm 2023, tổng số kinh phí thực hiện là gần 34 tỉ đồng; gồm: trợ cấp xã hội hằng tháng cho 7.801 đối tượng (gần 27 tỉ đồng),  đóng BHYT cho 5.141 đối tượng (gần 3,6 tỉ đồng), hỗ trợ mai táng phí cho 465 đối tượng (hơn 3,3 tỉ đồng).

Như vậy chỉ qua 2 năm thực hiện, số lượng đối tượng được thụ hưởng chính sách và kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh đều đã tăng vượt kế hoạch dự kiến ban đầu. Điều này cho thấy công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết 43 của các cơ quan, đơn vị địa phương khá tốt nên người dân đã nắm bắt được chủ trương, chính sách và đăng ký thụ hưởng. 

Đoàn khảo sát của Ban VH-XH gặp gỡ trực tiếp người dân đang được hỗ trợ theo Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh

Vừa qua Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh cũng đã tổ chức khảo sát thực tế về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 43 tại 6 xã, thị trấn thuộc các huyện, thị xã: Bắc Trà My, Núi Thành, Điện Bàn và một số cơ sở trợ giúp xã hội: Làng Hòa Bình, Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Nam. Khi khảo sát tại các địa phương, Đoàn khảo sát đã gặp gỡ trực tiếp các đối tượng đang được trợ giúp theo nghị quyết 43, tất cả đều khẳng định đây là một sự giúp đỡ rất quý báu, tạo điều kiện cho họ khắc phục được khó khăn, cải thiện cuộc sống gia đình; đồng thời, bày tỏ lòng biết ơn đối Đảng, Nhà nước về sự quan tâm này.  

Tác giả: Nguyễn Nhật Hòa

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website