Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Đoàn ĐBQH tỉnh / Chương trình hoạt động

A+ | A | A-

Đề nghị luật hóa tên gọi “di sản đô thị” để có cơ sở quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 11:09 | 26/06 Lượt xem: 92

Sáng nay 26/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Hội trường dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), tham gia thảo luận, đại biểu Dương Văn Phước, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh còn băn khoăn một số nội dung cần được xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Theo đại biểu Dương Văn Phước, di sản đô thị mà cụ thể là di sản thế giới Đô thị cổ Hội An, với nhiều đặc thù không giống các di sản khác, trong đó, hệ thống các di tích, di sản hiện có của đô thị cổ gắn với cuộc sống và hoạt động của con người, được cấu thành từ hơn 1.300 di tích là nhà ở, nhà thờ đơn lẻ, thuộc sở hữu tư nhân hoặc tập thể, nơi người dân địa phương đang sinh sống …, đây còn được gọi là “di sản sống”. Việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản này đòi hỏi phải có phương thức, cách thức riêng phù hợp với thực tại vốn có của nó. Do đó, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Ban soạn thảo bổ sung khái niệm “di sản đô thị” và các quy định liên quan trong dự thảo dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là rất cần thiết, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo thuận lợi cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

 
Đại biểu Dương Văn Phước, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Quảng Nam phát biểu

Dự thảo Luật quy định đến 13 nhóm hành vi bị nghiêm cấm (tăng 08 nhóm hành vi so với Luật hiện hành). Tuy nhiên, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng nhiều nội dung cấm chưa thuyết phục và chưa phù hợp với thực tiễn, ví dụ như quy định cấm: “tự ý tìm kiếm, trục vớt các di vật, cổ vật còn chìm đắm dưới nước” (tại khoản 7 Điều 8), điều này đồng nghĩa với việc vô tình nhặt được các di vật, cổ vật trong quá trình đánh bắt thủy, hải sản đã vi phạm pháp luật mà chưa cần xem xét đến việc có giao nộp hay không là chưa phù hợp và không khả thi, mâu thuẫn với điểm đ khoản 1 Điều 5 tìm được di vật, cổ vật giao nộp cho cơ quan nhà nước. 

Tương tự, việc quy định cấm “mua bán, sưu tầm di vật, cổ vật có nguồn gốc không hợp pháp” (tại khoản 8, Điều 8) và “mua bán, trao đổi và vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu” (tại khoản 11, Điều 8) chưa mang tính bao quát, vì mua bán vật có nguồn gốc không hợp pháp đã được xem là hành vi mua bán trái phép; đồng thời, điều này dễ gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, như mua bán di sản tư liệu, bảo vật quốc gia có nguồn gốc không hợp pháp vẫn không trái quy định tại Điều 8. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, sửa đổi các hành vi bị nghiêm cấm cho thống nhất với các quy định của dự thảo Luật, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, dàn trải lại không bao quát, đầy đủ các hành vi bị nghiêm cấm.

Đoàn ĐBQH Quảng Nam tham dự phiên thảo luận

Đối với khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định phạm vi và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích, đại biểu Dương Văn Phước thống nhất quan điểm cần phải quy định các biện pháp để bảo vệ di tích tại khu vực bảo vệ I (vùng lõi của di tích) và khu vực bảo vệ II (vùng đệm của di tích) theo dự thảo Luật. Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích tại khu vực bảo vệ I, II hiện nay có liên quan nhiều quy định của luật khác có liên quan, như: Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Bộ Luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, Luật tín ngưỡng tôn giáo, Luật Ngân sách nhà nước, nhất là Luật Lưu trữ, Luật Khoáng sản... Do đó, đại biểu đề xuất mức độ bảo vệ, thẩm quyền quản lý đối với các khu vực bảo vệ phải được quy định theo hướng vừa bảo vệ tối đa giá trị di tích, vừa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhu cầu chính đáng của người dân, nhất là đối với các di tích mà hiện nay đã có dân cư sinh sống. Đồng thời đảm bảo tính thống nhất, phù hợp, tránh xung đột pháp lý với quy định pháp luật chuyên ngành khác có liên quan.

Về áp dụng pháp luật và quy định chuyển tiếp, đại biểu cho biết, hiện nay trong các quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu không có nội dung về chống đỡ, tu bổ cấp thiết di tích liên quan công trình khẩn cấp, điều này dẫn đến vướng mắc về cơ sở pháp lý trong quá trình áp dụng pháp luật tại điểm c, khoản 2, Điều 35 dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định “Việc phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu sửa cấp thiết di tích thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng sau khi có ý kiến bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch”. Do vậy, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào Điều 102 nội dung về chống đỡ, tu bổ cấp thiết di tích liên quan công trình khẩn cấp trong các quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu để đảm bảo thống nhất, khả thi khi triển khai thực hiện Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sau khi được ban hành.

Tác giả: Văn Hiếu

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website