Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Thông tin Kinh tế – Xã hội

A+ | A | A-

Chỉ số PCI của Quảng Nam năm 2023 và một số vấn đề cần quan tâm

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 10:23 | 26/06 Lượt xem: 96

Vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023. Theo đó, Quảng Nam tăng điểm, nhưng không nằm trong tốp 30 tỉnh, thành có PCI tốt nhất cả nước năm 2023. Phân tích sâu hơn các chỉ số thành phần của PCI cho thấy nhiều vấn đề Quảng Nam cần quan tâm trong nỗ lực nâng cao vị thứ trong bảng xếp hạng PCI hằng năm.

Nhiều chỉ số thành phần của PCI sụt giảm điểm số

Như chúng ta đã biết, từ 2015 - 2019, tỉnh Quảng Nam nằm trong tốp 10 địa phương có điểm số, thứ hạng PCI cao nhất Việt Nam; nhưng 3 năm liền từ 2020 - 2022, tỉnh liên tục rớt hạng và rơi xuống vị trí thứ 22 (năm 2022). Mặc dù tỉnh đã có nhiều cố gắng nhằm nâng cao vị thứ trong bảng xếp hạng PCI hằng năm và mới đây nhất UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4107/KH-UBND ngày 28.6.2023 về cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2023 và những năm tiếp theo, trong đó có đề ra chỉ tiêu đứng vào tốp 20 tỉnh, thành có chỉ số tốt nhất. Tuy nhiên, kết quả lại không như mong đợi, không chỉ chưa lọt vào tốp 20 mà Quảng Nam còn bị rơi khỏi tốp 30.

Theo số liệu được VCCI công bố, tổng điểm 10 chỉ số của Quảng Nam năm 2023 là 67,04 điểm, tăng 0,42 điểm so với năm 2022. Nhưng có đến 6/10 chỉ số thành phần giảm điểm, bao gồm: Tiếp cận đất đai (6,83 điểm, giảm 0,4), Tính minh bạch (5,45 điểm, giảm 0,9), Cạnh tranh bình đẳng (5,95 điểm, giảm 0,03), Tính năng động của chính quyền tỉnh (6,76 điểm, giảm 0,14), Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (5,70 điểm, giảm 0,2), Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (7,40 điểm, giảm 0,34). 

Có 4 chỉ số thành phần tăng điểm, bao gồm: Gia nhập thị trường (7,27 điểm, tăng 0,08), Chi phí thời gian (8,1 điểm, tăng 0,49), Chi phí không chính thức (7,60 điểm, tăng 0,57) và Đào tạo lao động (5,98 điểm, tăng 0,63).

Phân tích sâu hơn về các chỉ số giảm điểm cho thấy chỉ số Tính minh bạch có mức giảm điểm nhiều nhất so với năm 2022 (giảm 0,9 điểm) và thấp hơn điểm trung vị của cả nước đến 0,64 điểm. Đây là chỉ số thành phần rất quan trọng, có trọng số 20%; do vậy, việc sụt giảm điểm sâu của chỉ số này là điều hết sức đáng quan tâm. Theo đó, còn 40% doanh nghiệp cho rằng: cần có "mối quan hệ" để có được các tài liệu của tỉnh và 41% doanh nghiệp cho rằng: doanh nghiệp đồng ý với nhận đinhh "Thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh".  Đối với nội dung "Tiếp cận tài liệu quy hoạch", được đánh giá 2,81 điểm (thang điểm từ 1-5), thấp hơp điểm trung vị của cả nước (2,94). Tài liệu quy hoạch là căn cứ quan trọng để nhà đầu tư nghiên cứu để đưa ra quyết định và ở Quảng Nam rõ ràng việc tiếp cận tài liệu pháp lý còn khó khăn, nên cần có giải pháp khắc phục ngay. 

Đối với chỉ số Tiếp cận đất đai (giảm 0,4 điểm) thì có một nội dung hết sức đáng lưu tâm là có đến 94% doanh nghiệp cho rằng phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai và 65% cho biết thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định. 

Cải cách thủ tục hành chính là một trong những nội dung cần quan tâm để tăng điểm số PCI

Một chỉ số có mức giảm điểm sâu nữa là "Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự" (giảm 0,34 điểm) và thấp hơn điểm trung vị của cả nước (7,52 điểm).

Bên cạnh đó, chỉ số Tính năng động của chính quyền tỉnh có mức giảm không nhiều (0,14 điểm) nhưng lại có tác động đến nhiều chỉ số khác. Đặc biệt có đến 44% doanh nghiệp đánh giá "Chính quyền cấp huyện, thị xã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố" và 38% oanh nghiệp đánh giá "Các Sở ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh".

Nguyên nhân và giải pháp

Việc Quảng Nam không lọt tốp 30 năm 2023 có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan từ cơ quan quản lý nhà nước các cấp; trong đó quan trọng nhất là năng lực, trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài việc thiếu hoặc phối hợp không chặt chẽ, hiệu quả, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm thì việc truyền thông, phổ biến chính sách ở cơ sở còn yếu; đội ngũ thực thi công vụ thiếu hoặc không nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư ... đã tác động đến suy giảm các chỉ số. 

Theo một lãnh đạo của VCCI thì nhiệm vụ của VCCI là cung cấp thông tin cụ thể cho địa phương thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh dựa trên những bằng chứng thực chứng; thứ hạng PCI chỉ là một phần. Tuy nhiên, có một thực tế là các địa phương quá quan tâm đến thứ hạng PCI, mang tới tác động không mong muốn, nên VCCI đã bỏ bảng xếp hạng các địa phương trong báo cáo PCI và chỉ công bố tốp 30 tỉnh, thành có chỉ số PCI tốt nhất.

Doanh nghiệp mong đợi sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước để tạo thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh

Ở một phương diện khác, sự sụt giảm các chỉ số này tác động vào tâm lý của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nên chính quyền các cấp cần rà soát, khắc phục ngay những điểm yếu, tụt hạng. Cần chuyển đổi quan điểm từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ; chuyển đổi thái độ phục vụ doanh nghiệp bằng đạo đức công vụ, trách nhiệm và lương tâm của cán bộ, công chức viên chức vì sự phát triển của địa phương.

Từ những phân tích nêu trên, nhằm nâng cao điểm số PCI trong thời gian đến,  các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của cấp có thâm quyền; đẩy nhanh tiến trình tinh gọn thủ tục hành chính; công khai, minh bạch hoạt động thông qua việc tăng cường sự kết nối, liên thông trong ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến bảo đảm an toàn, nhanh chóng, hạn chế việc người dân, doanh nghiệp phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, công chức.

Đặc biệt người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, quyết liệt xử lý cán bộ, công chức vi phạm, gắn kết quả thực hiện cải cách hành chính với công tác thi đua, khen thưởng, quy hoạch, đề bạt cán bộ; chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh về việc chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Cần có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân và doanh nghiệp...

Nâng cao trách nhiệm phối hợp của các Sở, ngành và địa phương trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, ngành, địa phương thì chủ động giải quyết kịp thời. Những kiến nghị không thuộc thẩm quyền giải quyết của các ngành, địa phương thì phải khẩn trương báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.

Tác giả: Nguyễn Nhật Hòa

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website