Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 tại các huyện Hiệp Đức, Nông Sơn, Quế Sơn. Đồng chí Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì.
Cùng dự có các ĐBQH: Phan Thái Bình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Dương Văn Phước - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đặng Thị Bảo Trinh - Bí thư Đoàn Thanh niên thị xã Điện Bàn; đại diện lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh, Sở Tài chính, Sở Nội vụ và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Đoàn giám sát làm việc tại huyện Hiệp Đức.
Thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021, tỉnh Quảng Nam đã triển khai các bước bảo đảm quy trình, tiến độ, thời gian theo quy định; theo đó, trên địa bàn tỉnh có 04 đơn vị hành chính cấp xã không đảm bảo 50% tiêu chí về diện tích và dân số theo quy định (gồm: xã Quế Cường, huyện Quế Sơn; xã Quế Phước, huyện Nông Sơn; xã Quế Bình và thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức).
Kết quả triển khai thực hiện
Qua giám sát tại các địa phương: Sau khi triển khai thực hiện nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của thị trấn Tân An và xã Quế Bình thuộc huyện Hiệp Đức để thành lập thị trấn Tân Bình có diện tích 23,17km2, dân số là 6.249 người với 06 khối phố (đạt tiêu chuẩn về diện tích, quy mô dân số đạt 88,14%); sau sắp xếp, toàn huyện có 11 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 01 đơn vị hành chính). Huyện Nông Sơn nhập toàn bộ diện tích, dân số của xã Quế Phước vào xã Quế Ninh để thành lập xã Ninh Phước có diện tích 61,61 km2, dân số là 4.847 người (đạt tiêu chuẩn về diện tích, quy mô dân số đạt 96,94%); sau sắp xếp, toàn huyện có 06 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 01 đơn vị hành chính). Huyện Quế Sơn hợp nhất toàn bộ diện tích, dân số của xã Quế Cường và xã Phú Thọ để thành lập xã Quế Mỹ có diện tích 39,45 km2, dân số là 9.430 người (đạt tiêu chuẩn về diện tích và dân số); sau sắp xếp, toàn huyện có 13 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 01 đơn vị hành chính).
Sau sắp xếp, các địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị hành chính mới ổn định tổ chức, bộ máy và đi vào hoạt động, tạo điều kiện cho người dân thực hiện điều chỉnh các thủ tục, giấy tờ theo đơn vị hành chính mới; qua đó góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Khẳng định chủ trương đúng
Tại các buổi giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, được đa số Nhân dân đồng tình, ủng hộ; qua sắp xếp đã có những tác động tích cực đối với sự phát triển của địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính, thu gọn đầu mối, tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi ngân sách, mở rộng địa giới hành chính tạo điều kiện cho phát triển đô thị, đời sống người dân từng bước được cải thiện… góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh tác động tích cực, sau sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm: Việc bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ đối với số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư gặp khó khăn bởi số lượng nhiều, cán bộ chủ yếu còn trẻ, chưa có chế độ hỗ trợ đặc thù, thời gian triển khai thực hiện của tỉnh rút ngắn so với lộ trình chung (xã Ninh Phước, huyện Nông Sơn còn 12 trường hợp, thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức còn 02 trường hợp). Cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức chưa tương xứng, chưa đáp ứng yêu cầu của trung tâm huyện…
Để giải quyết những vấn đề trên, các địa phương kiến nghị cho phép kéo dài lộ trình bố trí đối với cán bộ, công chức dôi dư; cho phép địa phương tổ chức sát hạch với những cán bộ, công chức cấp xã có đủ năng lực vào các vị trí phù hợp ở cơ quan chuyên môn của huyện; đồng thời, đề nghị Đoàn giám sát kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét có chế độ hỗ trợ nhằm động viên, khích lệ cán bộ; quan tâm về cơ chế tài chính, đầu tư hạ tầng, trụ sở của các đơn vị hành chính mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Làm việc với các địa phương, Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của các huyện trong thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021. Quá trình triển khai bảo đảm quy định, có sự thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, Nhân dân.
Đối với các kiến nghị, Đoàn sẽ tiếp thu, tổng hợp và phản ánh đến cấp có thẩm quyền. Đề nghị các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị hành chính cấp xã mới sáp nhập rà soát lại quy chế, quy định, văn bản quy phạm pháp luật phù hợp tình hình thực tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp để sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư; quan tâm công tác quy hoạch, đầu tư nguồn lực, xây dựng, bổ sung các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong thời gian tới. Đồng thời, có phương án sử dụng hiệu quả các trụ sở của cơ quan nhà nước sau sáp nhập; tạo thuận lợi cho nhân dân trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận, thực hiện tốt các chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước để người dân thấy được hiệu quả sau sáp nhập để thực hiện giai đoạn tiếp theo. /.