Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Thông tin Kinh tế – Xã hội

A+ | A | A-

“Lỗ hổng” lớn nhất chính là “không có động lực

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 16:37 | 29/05 Lượt xem: 393730

Hôm qua, QH dành trọn vẹn một ngày để tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016. Nhiều “lỗ hổng” trong cơ chế, chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật khiến cho hiệu quả hoạt động của DNNN chưa đạt kỳ vọng, thậm chí là “đầy tai tiếng” đã được các ĐBQH tập trung phân tích, làm rõ. Dẫu vậy, từ ý kiến của các ĐBQH có thể thấy, lỗ hổng lớn nhất không phải là thiếu khuôn khổ pháp lý mà chính là “không có động lực”.

Phép “thần thông” giữa lỗ và lãi

ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) “điểm danh” 3 dạng thất thoát tài sản nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN là: Kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến lỗ, làm mất vốn; mua bán tài sản làm thất thoát tài sản và tiền vốn và định giá doanh nghiệp thấp khi cổ phần hóa. Những biểu hiện cụ thể của 3 dạng thất thoát kể trên “ai cũng biết và đã nói rất nhiều” nhưng vì sao lại như vậy?

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan phát biểu tại hội trường Ảnh: Lâm Hiển

Trả lời câu hỏi của chính mình, ĐB Hoàng Văn Cường nêu ví dụ, kinh doanh lỗ làm thất thoát vốn của doanh nghiệp thì có một nguyên nhân là do trình độ quản lý của doanh nghiệp yếu kém. Nhưng có một nguyên nhân căn bản hơn, theo đại biểu, đã trở thành “động lực” khiến những người quản lý doanh nghiệp không muốn cổ phần hóa DNNN, không muốn tối đa hóa hiệu quả của từng đồng vốn, từng tài sản của Nhà nước được giao quản lý, sử dụng. Đó là việc đầu tư vào lĩnh vực không hiệu quả, máy móc thiết bị không phù hợp hoặc tính giá trị đầu tư lớn hơn để được chia phần, được hưởng những lợi ích, phần trăm nhưng không có ai phải chịu trách nhiệm, chưa có ai bị mất chức, bị xử lý kỷ luật hay thậm chí bị truy tố vì công tác quản lý yếu kém khiến doanh nghiệp thua lỗ.

Cùng với đó là sự thiếu minh bạch trong tổ chức hoạt động của các DNNN. Hầu như không có doanh nghiệp nào báo cáo đầy đủ lúc nào lỗ, lúc nào lãi, khi cần tăng chức, tăng quỹ lương hoặc để xin vốn thì ngay lập tức sẽ có báo cáo lãi, khi làm việc với cơ quan tài chính để nộp thuế thì lại có một báo cáo lỗ. “Người ta nói báo cáo tài chính của các doanh nghiệp như có phép thần thông biến hóa giữa lỗ và lãi”, một đại biểu nhận xét. ĐBQH, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái xác nhận tình trạng này khi chỉ ra các mánh khóe của DNNN và chỉ rõ, để làm một báo cáo tài chính thì có rất nhiều người tham gia, đặc biệt là tại các tổng công ty, tập đoàn thì Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị... công bố, trình bày báo cáo, các cơ quan thanh tra trong nội bộ phải kiểm tra nhưng trên thực tế, nhiều trường hợp không phát hiện ra sai sót.

“Điều kỳ lạ nữa là tất cả những vấn đề xảy ra về thất thoát, lỗ của DNNN thì ai cũng biết nhưng cả một bộ máy về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát lại không phát hiện ra...”, ĐB Hoàng Văn Cường bình luận. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho cổ phần hóa DNNN diễn ra chậm chạp, ì ạch và hình thức bất chấp các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ.

Vai trò dẫn dắt nhưng lại “khóa đuôi”

 “Kết quả giám sát của QH đã cho thấy một thực trạng đáng buồn”, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhận xét. Lẽ ra DNNN phải đóng vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế thì các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động của khu vực này lại đang ở vị trí “khóa đuôi”. Hệ số Icor của khu vực DNNN luôn cao hơn nhiều so với các thành phần kinh tế khác; mức sinh lời trên vốn chủ sở hữu và tài sản của DNNN không chỉ ở mức thấp mà còn có xu hướng giảm liên tục theo thời gian. Những tồn tại, yếu kém trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN được chỉ rõ trong Báo cáo kết quả giám sát của QH là do: Hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động của DNNN, cổ phần hóa DNNN còn chồng chéo, thiếu rõ ràng, chưa tạo đầy đủ quyền chủ động cho doanh nghiệp. Chúng ta cũng vẫn đang thiếu hệ thống công cụ đánh giá tổng thể về quản trị doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Cùng với đó là năng lực quản trị, quản lý của người đại diện chủ sở hữu, người điều hành doanh nghiệp chưa cao; hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa hiệu quả; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra vi phạm chưa nghiêm.

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết phát biểu tại hội trường Ảnh: Q. Khánh

Đành rằng những lỗ hổng về pháp lý, về giám sát, kiểm soát hoạt động quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN là có. Nhưng hôm qua, nhiều ĐBQH cũng thẳng thắn cho rằng, đó chưa phải là những nguyên nhân sâu xa nhất.

ĐB Vũ Tiến Lộc phân tích, xu hướng sụt giảm hiệu quả sử dụng vốn tại các DNNN lại diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi và chất lượng tăng trưởng đang trên đà được cải thiện, tức là đi ngược với xu thế chung. Điều này cho thấy, những yếu kém của khu vực DNNN chủ yếu là vấn đề nội tại của khu vực này chứ không phải do những tác động từ môi trường bên ngoài”. Thực tế, những tồn tại, yếu kém ở khu vực DNNN so với khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và khu vực FDI cũng xuất hiện trong một thời gian dài và phổ biến không chỉ ở nước ta mà ở cả các nền kinh tế trên thế giới, kể cả những nền kinh tế có nền quản trị tiên tiến. Vậy thì, nguyên nhân gốc rễ của những tồn tại, yếu kém của DNNN nằm ở vấn đề sở hữu và động lực phát triển của chính doanh nghiệp đó chứ không chỉ nằm ở cơ chế pháp lý. Nhấn mạnh điều này, ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng, nếu tỷ trọng sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp vẫn được duy trì ở mức cao và áp đảo như hiện nay thì những nỗ lực cải cách khác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của DNNN như hoàn thiện hệ thống pháp lý cho bớt chồng chéo, tăng tính chủ động của doanh nghiệp, xác lập tiêu chí đánh giá hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp hay tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cũng không có nhiều ý nghĩa và không thể đem lại kết quả như mong muốn.

DNNN “lùi chân” để doanh nghiệp tư nhân trong nước “thế chân”

Nhiều ĐBQH cũng cho rằng, chủ trương đúng đắn và cần phải được quán triệt xuyên suốt trong quá trình cải cách DNNN, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong toàn bộ nền kinh tế là phải đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa DNNN một cách thực chất và thoái vốn nhà nước ra khỏi hầu hết các lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước không cần phải nắm giữ theo đúng tinh thần các nghị quyết của Đảng.

Tất nhiên, đó không phải là một tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn bằng mọi giá, bán được càng nhiều vốn nhà nước càng tốt mà phải đặt ưu tiên trọng tâm vào việc đổi mới quản trị doanh nghiệp, bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước đặt trong yêu cầu tổng thể về đổi mới phương thức quản trị và sử dụng nguồn lực của đất nước đạt hiệu quả cao nhất, tạo động lực để lôi kéo, thúc đẩy doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác cùng phát triển.

Một hệ thống các giải pháp đồng bộ và toàn diện đã được Đoàn giám sát báo cáo với QH để chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém, tối đa hóa hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, thúc đẩy cổ phần hóa đúng lộ trình, đúng mục tiêu. Tuy nhiên, một số ĐBQH cũng cho rằng, phải tạo “động lực” cho tiến trình này bằng việc sớm luật hóa chính sách thu cổ tức, lợi nhuận từ vốn đầu tư tại DNNN và các nội dung về cổ phần hóa DNNN; bảo đảm sự công khai, minh bạch trong hoạt động của DNNN trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của thị trường, minh định các nhiệm vụ kinh doanh thuần túy với nhiệm vụ chính trị, tạo sự bình đẳng thực sự giữa DNNN với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Đồng thời, QH nên giao cho Chính phủ xây dựng chủ trương, chính sách để thúc đẩy và hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, bao gồm cả các nhà đầu tư chiến lược của khu vực vừa và nhỏ có thể tham gia vào quá trình cổ phần hóa DNNN, bảo đảm khi DNNN “lùi chân” trong các lĩnh vực kinh tế mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối thì khu vực tư nhân trong nước sẽ “thế chân”. Không thể để tình trạng chỉ có doanh nghiệp FDI tiếp thu và tham gia vào cổ phần hóa các DNNN như hiện nay. “Đây là vấn đề khó nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được vì xét đến cùng, sự phát triển vững mạnh của khu vực tư nhân trong nước chính là yếu tố quan trọng nhất để bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững và tự chủ của nền kinh tế nước ta”, ĐB Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.


Tác giả: Quỳnh Chi (theo báo đại biểu nhân dân)

Nguồn tin: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=406295

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website